Ngày 12/10, Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tổ chức phiên thảo luận toàn thể về đề mục Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế với sự tham dự của gần 100 quốc gia thành viên và quan sát viên. Tại đây, Việt Nam đã kêu gọi các nước tôn trọng nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Ý kiến phát biểu của các nước cho rằng pháp quyền và phát triển có
mối liên hệ mật thiết, đóng vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế
bền vững, bảo đảm quyền con người và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế;
chia sẻ quan ngại nêu trong Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tác
động của đại dịch COVID-19 làm bộc lộ các bất bình đẳng mang tính cấu
trúc, suy giảm lòng tin của người dân; nhấn mạnh cần có cách tiếp cận
đặt con người ở vị trí trung tâm, bảo đảm các dịch vụ tư pháp, pháp lý
đáp ứng nhu cầu của người dân, đóng góp vào thực hiện Chương trình nghị
sự chung, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của quốc gia.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên
hợp quốc, phát biểu tại phiên họp rằng pháp quyền ở cấp độ quốc gia và
quốc tế có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình-an ninh quốc tế,
phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm các quyền con người.
Đại sứ nhấn mạnh luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến
chương Liên hợp quốc là nền tảng cơ bản của hệ thống quốc tế, đề cao vai
trò của Tòa án quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết
hòa bình các tranh chấp quốc tế và thúc đẩy tuân thủ pháp quyền ở cấp độ quốc tế.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý đã bày tỏ
quan ngại sâu sắc trước các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông.
Đại sứ cho biết Việt Nam đang nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng khu
vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Đại sứ cho biết Biển
Đông đóng vai trò quan trọng đối với khu vực và thế giới, là tuyến đường
hàng hải và giao thương quan trọng nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ
Dương.
Đại sứ cho rằng các hành động ở Biển Đông gần đây làm suy giảm lòng
tin giữa các nước, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, an
ninh và ổn định trong khu vực.
Đại sứ kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế,
đặc biệt Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về luật biển (UNCLOS), thúc đẩy
xây dựng lòng tin, kiềm chế có các hành động đơn phương làm phức tạp
tình hình, gia tăng căng thẳng trên biển, giải quyết hòa bình các tranh
chấp phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, trong đó
có UNCLOS, tôn trọng đầy đủ đủ các tiến trình pháp lý, chính trị và
tuân thủ các quy định của UNCLOS trong xác định các yêu sách biển.
Đại sứ khẳng định ASEAN nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng
xử của các bên ở Biển Đông và sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở
Biển Đông (COC) có hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế,
trong đó có UNCLOS.
Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc,
gồm đại diện của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có chức
năng xem xét các vấn đề pháp lý.
Ủy ban 6 dự kiến thảo luận 24 đề mục bao gồm Pháp quyền cấp độ quốc
gia và quốc tế, Báo cáo của Ủy ban luật pháp quốc tế, Báo cáo của Ủy ban
luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, và Các biện pháp loại trừ
khủng bố quốc tế./.
TTXVN