Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 27/12/2022 13:46'(GMT+7)

Việt Nam lọt top 5 điểm đến tiềm năng đón đầu chuỗi cung ứng, trở thành 'công xưởng thế giới'

Ưu thế của Ấn Độ là diện tích rộng và dân số trẻ. Ảnh: AFP

Ưu thế của Ấn Độ là diện tích rộng và dân số trẻ. Ảnh: AFP

Theo báo Bussiness Insider, trong 4 thập kỷ qua, Trung Quốc luôn đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng những căng thẳng địa chính trị dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến vị thế của cường quốc châu Á này lung lay.

Năm 2018, khi cựu Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại với gã khổng lồ Đông Á, các nhà đầu tư đã đánh giá lại mức độ rủi ro địa chính trị.

Mặc dù khi đó, một số nhà đầu tư đã chuyển các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhưng chính đại dịch và chính sách Zero-COVID của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư nhận ra tầm quan trọng của việc không phụ thuộc nhu cầu sản xuất vào một quốc gia duy nhất.

Ông Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Forrester, lý giải: “Bản thân những căng thẳng địa chính trị có thể không dẫn đến mức độ tái tổ chức chuỗi cung ứng này, nhưng đại dịch COVID-19 chắc chắn đã khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại tầm nhìn”.

Bên cạnh đó, những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài. Tổng thống Joe Biden đã không dỡ bỏ các mức thuế cao mà chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt đối với Trung Quốc. Thậm chí, vào tháng 10, Tổng thống Biden còn áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị vận chuyển đến các nhà máy sản xuất chip tiên tiến do Trung Quốc sở hữu. Điều này càng làm mối quan hệ vốn đã căng thẳng trở nên leo thang.

Hơn bao giờ hết, các công ty đa quốc gia đang tìm cách phòng ngừa rủi ro kinh doanh.

Dưới đây là năm quốc gia mà chuỗi cung ứng đang chuyển từ Trung Quốc sang.

Ấn Độ

Ấn Độ đang tìm cách vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng cao cấp. Ví dụ, tập đoàn Apple sản xuất iPhone và các nhà sản xuất chip đang để mắt đến những vùng đất rộng lớn và dân số trẻ tại Ấn Độ.

Với những ưu điểm trên, Ấn Độ là một lựa chọn thay thế tự nhiên cho Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới. Đặc biệt, trong năm 2023, dân số Ấn Độ dự kiến vượt dân số Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang các bang Tamil Nadu và Karnataka của Ấn Độ, đồng thời cũng đang tìm hiểu việc chuyển hoạt động sản xuất iPad sang quốc gia Nam Á này. Các nhà phân tích của JP Morgan kỳ vọng Apple sẽ chuyển 5% lượng iPhone 14 ssản xuất ang Ấn Độ vào cuối năm 2022. Trong một ghi chú tháng 9, JP Morgan dự đoán đến năm 2025, ¼ sản lượng iPhones sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.

Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời và sự hỗ trợ của chính phủ để thúc đẩy ngành công nghiệp và xuất khẩu. Vì điều này, nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu xem liệu ngành sản xuất của Ấn Độ có phải là giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc hay không.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đưa vốn FDI lên mức kỷ lục 83,6 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.

Nhưng những rào cản đáng kể vẫn tồn tại. Mặc dù chính phủ Ấn Độ đang tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng hoạt động kinh doanh ở nước này vẫn khó hơn so với Trung Quốc, một phần do bộ máy hành chính quan liêu và nhiều bên liên quan làm kéo dài quá trình ra quyết định.

Việt Nam

Chú thích ảnh
Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa đại diện Bộ Công Thương và Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát

Kể từ năm 1986, Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng kể.

Trong một bài viết vào tháng 11/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết cải cách đã mang lại kết quả, đưa Việt Nam từ "một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, năm 2021, Việt Nam đã thu hút hơn 31,15 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài — cao hơn 9% so với một năm trước. Khoảng 60% vốn đầu tư dành cho lĩnh vực sản xuất và chế biến.

Thế mạnh chính của Việt Nam là sản xuất hàng may mặc, giày dép, điện tử và thiết bị điện. Ngoài Ấn Độ, gã khổng lồ công nghệ Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Việt Nam và cũng đang lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook sang quốc gia Đông Nam Á này.

Các công ty lớn khác như Nike, Adidas và Samsung đã chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thái Lan

Chú thích ảnh
Thái Lan là trung tâm sản xuất ô tô và điện tử. Ảnh: THX

FDI của Thái Lan đã tăng gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2021, lên 13,1 triệu USD khi các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc.

Là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, Thái Lan đã và đang nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất. Thái Lan là trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô, phương tiện và thiết bị điện tử, với các công ty đa quốc gia như Sony và Sharp đang thiết lập cơ sở tại đây.

Sony cho biết vào năm 2019, họ sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Bắc Kinh vào năm 2019 để cắt giảm chi phí và chuyển một số hoạt động sản xuất sang Thái Lan. Cùng năm đó, Sharp cho biết họ đang chuyển một số hoạt động sản xuất máy in sang Thái Lan do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Bangladesh

Chú thích ảnh
Bangladesh là quê hương của ngành sản xuất hàng may mặc. Ảnh: AFP

Ngay cả trước khi COVID-19 làm tê liệt lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, Bangladesh đã là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, chủ yếu là do chi phí lao động ở Trung Quốc tăng trước nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.

Chênh lệch chi phí lớn đã thu hút các nhà sản xuất tìm đến Bangladesh, khi lương tháng trung bình của một công nhân ở Bangladesh là 120 USD, thấp hơn 1/5 so với 670 USD mà một công nhân nhà máy ở Quảng Châu nhận được.

Hơn nữa, chi phí nguyên liệu tăng đang thúc đẩy các công ty may mặc tìm kiếm các điểm đến thay thế như Bangladesh, nơi giá sản xuất tương đối thấp.

Bất chấp vụ sập tòa nhà cao tầng làm ít nhất 1.132 người thiệt mạng vào tháng 4/2013 và làm giảm uy tín về an toàn lao động của Bangladesh, ngành sản xuất hàng may mặc vẫn là một trụ cột chính của nền kinh tế nước này, chiếm gần 85% các lô hàng hoặc hơn 42 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2021. Nước này cũng là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Bangladesh hiện nỗ lực thu hút đầu tư ngoài lĩnh vực may mặc và đang nỗ lực thu hút thêm đầu tư vào các lĩnh vực khác bao gồm dược phẩm và chế biến nông nghiệp.

Malaysia

Chú thích ảnh
Dòng vốn FDI của Malaysia đạt mức cao nhất trong 5 năm là 48,1 tỷ USD vào năm 2021. Ảnh: AFP

Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia cho biết vào tháng 7/2020, nước này đã đạt được một số tiến bộ trong nỗ lực thu hút ít nhất 32 dự án chuyển từ Trung Quốc sang Malaysia.

Tuy nhiên, ngay cả trước đại dịch, các khoản đầu tư công nghệ vào Malaysia đã tăng lên do chi phí lao động thấp hơn và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Các thỏa thuận lớn trong vài năm qua bao gồm khoản đầu tư trị giá 339 triệu USD từ gã khổng lồ chip Mỹ Micron trong 5 năm kể từ năm 2018. Jabil, một công ty Mỹ sản xuất vỏ iPhone, cũng đã mở rộng hoạt động tại Malaysia.

"Chúng tôi biết khá nhiều nhà sản xuất đã bày tỏ ý định chuyển khỏi Trung Quốc và chúng tôi muốn thu hút họ. Điều duy nhất là thời điểm", Azman Mahmud, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia trả lời báo chí năm 2020.

Theo thông tin chính thức của chính phủ, dòng vốn FDI của Malaysia đạt mức cao nhất trong 5 năm là 48,1 tỷ USD vào năm 2021, với ngành sản xuất thiết bị điện tử và phương tiện là chủ chốt./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất