Việt Nam đã, đang và sẽ theo đuổi chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp; phòng, chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư.
Ngày 20/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thoả thuận GCM) với sự tham dự của các đại biểu đến từ IOM, các bộ, ngành và địa phương.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh, việc thông qua Thỏa thuận GCM cho thấy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư được thừa nhận là khuôn khổ hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức của di cư và quan trọng hơn, sẽ giúp thúc đẩy di cư hợp pháp an toàn, trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích của người di cư, vì nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Là nước gốc, đồng thời là nước tiếp nhận của di cư quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng, đàm phán, thông qua Thỏa thuận GCM. Đại sứ Vũ Việt Anh khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ theo đuổi chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp; phòng, chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư, trong đó, hợp tác quốc tế là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di cư.
Đánh giá cao việc Việt Nam tham gia tích cực Thỏa thuận GCM ngay từ đầu, ông David Knight, Trưởng Phái đoàn IOM cho rằng, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường nhận thức chung, trách nhiệm chia sẻ, thống nhất về mục đích trong lĩnh vực di cư, để di cư có lợi cho tất cả các bên liên quan.
Theo ông David Knight, Thỏa thuận GCM ra đời đúng vào thời điểm mà thế giới cần có sự hợp tác tự nguyện và vững chắc về di cư để đảm bảo đầy đủ sự an toàn và thịnh vượng của người di cư. Ông hy vọng rằng, theo tinh thần đó, Việt Nam sẽ đưa vào triển khai trên thực tiễn 23 mục tiêu của Thỏa thuận GCM.
Hội nghị gồm các phiên trình bày về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, quá trình Việt Nam tham gia, đàm phán, thông qua Thỏa thuận, các mục tiêu của Thỏa thuận và việc triển khai tại Việt Nam, cũng như ở cấp độ toàn cầu.
Hội nghị đã thảo luận về việc rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật của Việt Nam về di cư quốc tế, góp phần xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM mang tính khách quan, chính xác, đảm bảo việc triển khai từ Trung ương đến địa phương được đồng bộ và hiệu quả, qua đó thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Đây là hội nghị đầu tiên mà Bộ Ngoại giao triển khai trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền về Thỏa thuận GCM trên toàn quốc trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phổ biến nội dung của Thỏa thuận đến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan.
Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và hiện nay đang tích cực xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với luật pháp và điều kiện của Việt Nam.
Thỏa thuận GCM được chính thức thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên Hợp Quốc tán thành.
Theo Chinhphu.vn