Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Dự án kênh đào Funan
Techo của Campuchia sẽ nâng cấp và cải tạo 180 km tuyến kênh/sông, bao
gồm: Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20 km) nối sông Mê Công với sông
Bassac; Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối
với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30
km) và Đoạn thứ ba dài 130 km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới
Việt Nam - Campuchia khoảng 20 km) với cảng Kẹp của Campuchia.
Phía Campuchia thông báo các
đoạn kênh này được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh
50m, bề rộng mặt kênh từ 80 - 120m và chiều sâu mực nước trong kênh
4,7m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.
Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì
sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập
mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m. Bên
cạnh các hạng mục công trình trên, Dự án cũng tiến hành xây dựng 11
chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ
nhu cầu đi lại của người dân.
Dự kiến Dự án sẽ được khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm
2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7
triệu tấn/năm.
Trên cơ sở nghiên cứu các thông tin thông báo về Dự án cho Ủy hội
sông Mê Công quốc tế của Campuchia, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã trao
đổi song phương với phía Campuchia ở các cấp để nêu quan ngại của Việt
Nam về tác động của Dự án tới đồng bằng sông Cửu Long và đề nghị phía
Campuchia chia sẻ các thông tin chi tiết về Dự án, bao gồm Báo cáo khả
thi dự án; tiến hành nghiên cứu chung về tác động của Dự án; áp dụng
Hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới của Ủy hội sông Mê Công quốc
tế cho Dự án nhằm đạt được sự hiểu biết chung về các tác động xuyên
biên giới của dự án và các biện pháp giảm thiểu phù hợp. Tại các cuộc
tiếp xúc, Ủy ban sông Mê Công Campuchia đã ghi nhận các quan ngại của
phía Việt Nam về Dự án và thông báo đang làm việc với các bộ, ngành liên
quan của Campuchia để chuyển tải các ý kiến của phía Việt Nam.
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã đề nghị Ban Thư ký Ủy hội hỗ trợ các
quốc gia triển khai nghiên cứu về đánh giá tác động xuyên biên giới của
Dự án. Ban Thư ký Ủy hội đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu độc lập
về tác động của Dự án, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới, đề xuất
các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động.
Ngày 23/4, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký Ủy
hội sông Mê Công quốc tế tổ chức cuộc họp tham vấn về Dự án. Các đại
biểu tại cuộc họp tham vấn đã nêu các quan ngại về Dự án, bao gồm các
tác động của Dự án đến tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc
biệt trong bối cảnh hạn mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc
nghiệt hơn.
Việc kênh Funan Techo sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của
sông Mê Công ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm tài nguyên
nước tới Đồng bằng, có thể gây các tác động tiêu cực đến các hoạt động
sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.
Các thông tin chính thức do phía Campuchia thông báo là kênh đào Funan
Techo chỉ phục vụ mục đích giao thông thủy.
Tuy nhiên theo các thông tin của báo chí và phát biểu của Lãnh đạo
Campuchia thì kênh đào còn phục vụ mục đích tưới nông nghiệp và phát
triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam của Campuchia. Chưa đủ thông tin về
vận hành của 3 cống âu thuyền thuộc Dự án, Việt Nam mong muốn Campuchia
sẽ sớm chia sẻ các thông tin chi tiết về mục tiêu và về thiết kế, vận
hành của Dự án.
Việt Nam cũng mong muốn Campuchia sớm cung cấp
các thông tin và tham gia nghiên cứu chung về tác động của Dự án và
thống nhất các giải pháp giảm thiểu và giám sát tác động phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê
Công Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công
quốc tế trong việc tiến hành nghiên cứu độc lập tác động của Dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tiếp tục
phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Campuchia
và các quốc gia thành viên Ủy hội để thúc đẩy tiến độ thực hiện nghiên
cứu về tác động của Dự án, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, giám sát
tác động và sẽ tiếp tục tham vấn tại quốc gia.
Liên quan đến Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia, tại họp báo
thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 11/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc
Việt nêu rõ: Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các
nước ven sông Mê Công; đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc
tăng cường hợp tác để quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước
sông Mê Công vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng
đồng người dân trên lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình
đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.
Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo, đề nghị phía
Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mê Công quốc tế
trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của công trình này đối
với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông
Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người
dân sinh sống trong lưu vực./.
TTXVN