Đây là những định hướng và ưu tiên lớn mà Việt Nam sẽ triển khai, trong
đó có nhiều vấn đề sẽ được Hội đồng Nhân quyền tập trung thảo luận tại
Khóa họp thứ 25 như chống đói nghèo, giảm thiểu tác động của vay nợ nước
ngoài đối với việc hưởng thụ các quyền con người, bảo vệ quyền con
người, bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực, buôn bán trẻ em.
Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị cấp cao Khóa họp thứ 25 của Hội
đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ
Ngoại giao Hoàng Chí Trung cho biết thêm đây là lần đầu tiên Việt Nam
tham dự Hội nghị cấp cao Hội đồng Nhân quyền với tư cách thành viên sau
khi được các nước tin tưởng bầu chọn với số phiếu cao.
Đây vừa là sự ghi nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng quốc tế đối
với nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về quyền con người, vừa là sự coi
trọng của các nước trước mong muốn và khả năng đóng góp hơn nữa của Việt
Nam vào nỗ lực chung của thế giới về quyền con người, cũng như trong
việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền.
Với những kỳ vọng của quốc tế và xuất phát từ chủ trương tích cực hội
nhập đời sống quốc tế, Việt Nam đã cam kết sẽ là một thành viên tích
cực, trách nhiệm, có đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng
Nhân quyền; phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên và quan sát viên
trong các vấn đề cùng quan tâm về quyền con người.
Song song với việc thúc đẩy các hoạt động trên, Việt Nam cũng sẽ cùng
với các nước thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng, tôn trọng lẫn nhau
giữa các thành viên Hội đồng Nhân quyền; duy trì và phát huy cách tiếp
cận toàn diện, đầy đủ, cân bằng trên tất cả các vấn đề, qua đó góp phần
đảm bảo thành công và hiệu quả của Hội nghị cấp cao cũng như Khóa họp 25
của Hội đồng Nhân quyền.
Theo ông Hoàng Chí Trung, quyền con người là vấn đề được quan tâm cao và
có tầm quan trọng bên cạnh các vấn đề về hòa bình, an ninh, hợp tác và
phát triển. Là cơ quan chính của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền, Hội
đồng Nhân quyền luôn được quốc tế quan tâm theo dõi sát, đặc biệt là
các hội nghị và khóa họp thường kỳ tiến hành đánh giá, xử lý các vấn đề
về quyền con người trên thế giới. Đây cũng là diễn đàn để các nước bày
tỏ, chia sẻ sự quan tâm của mình trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền
con người.
Năm nay, hội nghị quy tụ các đoàn cấp cao của gần 100 nước, thể hiện sự
quan tâm và coi trọng của quốc tế đối với vai trò ngày càng quan trọng
của Hội đồng Nhân quyền.
Trong hơn 7 năm vừa qua, Hội đồng Nhân quyền đã chứng tỏ khả năng hoạt
động hiệu quả và toàn diện, có nhiều sáng kiến và giải pháp thiết thực
để thúc đẩy đảm bảo quyền con người như nâng cao nhận thức, pháp điển
hóa các quyền. Nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác xây dựng trong các vấn đề
liên quan đến quyền con người đã được quan tâm đẩy mạnh tại các diễn đàn
của Hội đồng Nhân quyền, cụ thể như cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát
(UPR).
Tuy nhiên, công tác bảo đảm quyền con người cũng không tránh khỏi các
thách thức, xuất phát từ suy thoái tài chính - kinh tế toàn cầu, biến
đổi khí hậu, thiên tai, thiếu lương thực, nước sạch... Bên cạnh đó, tình
trạng xung đột, bạo lực leo thang tại một số nơi trên thế giới cũng đe
dọa an toàn, cuộc sống của người dân, đồng thời gây tác động nghiêm
trọng đến hòa bình, ổn định khu vực.
Trong tình hình đó, Hội đồng Nhân quyền cần nâng cao hơn nữa hiệu quả
công việc, hạn chế các chỉ trích, phê phán thiếu xây dựng, không ngừng
nâng cao uy tín cũng như vai trò của Hội đồng.
Tại hội nghị cấp cao lần này, quốc tế trông chờ rất nhiều vào các nỗ lực
thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước để tìm ra giải pháp phù hợp
cho các vấn đề cấp bách.
Các bên mong muốn hội nghị sẽ tìm ra cách tiếp cận bền vững đối với
những thách thức có tác động lâu dài đến các quyền con người, qua đó góp
phần nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền
trong hệ thống nhân quyền Liên hợp quốc cũng như trong việc đảm bảo và
thúc đẩy quyền con người trên thế giới./.
TTX