Chiều 5/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị xúc tiến hợp tác y tế và điều
dưỡng Việt Nam-Nhật Bản năm 2015 với sự tham dự của đại diện các bộ,
ngành Việt Nam; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Cơ quan hợp tác quốc
tế Nhật Bản (JICA); Viện nghiên cứu Lão khoa, Bệnh viện Đại học Okayama…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao
việc tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác y tế và điều dưỡng Việt Nam-Nhật
Bản, và cho rằng Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để phía Việt Nam học hỏi
những kinh nghiệm, mô hình hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi của Nhật Bản; trao đổi những kinh nghiệm trong vấn đề già
hóa dân số cũng như khả năng hợp tác giữa hai nước trong xây dựng mô
hình trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Nhật Bản tại Việt
Nam…
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề già hóa dân số
tại Việt Nam; xu hướng già hóa dân số tại châu Á và những vấn đề đặt ra
đối với Việt Nam.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản đối với vấn đề già
hóa dân số cũng như tham khảo các mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi ở Nhật Bản; các thiết bị phục vụ công tác điều dưỡng,
chăm sóc người cao tuổi…
Việt Nam đang ở trong thời điểm dân số vàng, nhưng cũng đã bước vào thời
kỳ già hóa dân số, với 10,5% dân số là người cao tuổi và được đánh giá
là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Người cao tuổi Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong đó đã có
sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh
mãn tính, đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi
trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như ung thư, căng thẳng,
trầm cảm về tâm thần.
Chi phí điều trị trung bình cho một người cao tuổi cao gấp 7-8 lần chi
phí điều trị cho một đứa trẻ. Độ tuổi càng cao, rủi ro về khuyết tật
càng tăng hoặc số ngày nằm trên giường bệnh càng cao. Khoảng hơn 23%
người cao tuổi đang gặp khó khăn với các hoạt động thường nhật, trong đó
gần 91% cần người hỗ trợ.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người
già sống tại cộng đồng mắc ba bệnh mãn tính. Với các bệnh nhân nhập viện
tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh.
Người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi thường mắc các hội
chứng đặc trưng ở người già như hội chứng dễ bị tổn thương (frailty), lú
lẫn, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, suy dinh
dưỡng, trầm cảm, mất nước… đòi hỏi phải được chăm sóc đặc biệt./.
Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)