Thứ Bảy, 30/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 5/12/2013 21:23'(GMT+7)

Việt Nam quan tâm sâu sắc tình hình ở Biển Hoa Đông

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 5/12/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: 

“Việt Nam theo dõi với sự quan tâm sâu sắc các diễn biến tại khu vực Biển Hoa Đông cũng như quan ngại của các bên liên quan. Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, giải quyết ổn thỏa bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn cho các đường bay quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông ảnh hưởng thế nào tới các chuyến bay quốc tế của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói:

“Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam bay qua khu vực Biển Hoa Đông hiện vẫn diễn ra bình thường. Thông tin về các chuyến bay đều được thông báo cho nhà chức trách của các quốc gia liên quan theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc Trung Quốc cử tàu sân bay Liêu Ninh thực hiện hoạt động huấn luyện ở Biển Đông và khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:

“Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, không gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình.”

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 23/11 đã công bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và các quy định áp dụng tại khu vực này.

Vùng phòng không nói trên bao gồm cả quần đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền. Bắc Kinh gọi quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông này là Điếu Ngư (Diaoyu) trong khi Tokyo gọi là Senkaku.

* Trả lời câu hỏi của phóng viên về thỏa thuận ngày 24/11/2013 giữa P5+1 và Iran về vấn đề hạt nhân của Iran, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận ngày 24/11/2013 giữa nhóm P5+1 và Iran, coi đây là một bước tiến tích cực hướng tới việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua đối thoại và đàm phán."

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: "Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014, cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp để thỏa thuận trên được triển khai một cách nghiêm túc và đầy đủ.”

Sáng 24/11, theo giờ Việt Nam, Iran và 6 cường quốc thế giới đã đạt được thỏa thuận đột phá nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nới lỏng có giới hạn lệnh trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo này.

Iran và nhóm 6 nước gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc và Nga đã được thỏa thuận lịch sử này sau hơn 4 ngày đàm phán tại Geneva (Thụy Sỹ).

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất