Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 14/2/2009 12:57'(GMT+7)

Việt Nam quyết xóa sổ chất hữu cơ độc PBC

PCB vẫn còn là bởi nó đã tồn tại trong các máy móc cũ, lạc hậu

PCB vẫn còn là bởi nó đã tồn tại trong các máy móc cũ, lạc hậu

Trước sự đe dọa của PCB đến môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực nhằm giải quyết bài toán khó này.

Lỗi do không kiểm soát được công nghệ

Tại buổi tổng kết Dự án quản lý và thải loại PCB trong các hệ thống điện theo cách thân thiện với môi trường - Dự án thí điểm loại bỏ PCB tại Việt Nam (PCB - MEPV) tổ chức ngày 13/2 tại Hà Nội, Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Hóa học môi trường và phát triển bền vững cho hay, PCB là một trong những thành tựu lớn của khoa học thế kỷ trước.

Chính chất này đã giúp động cơ chống lại quá trình ôxy hóa, làm giảm độ nóng của máy, khi nhân loại còn chưa tìm ra một loại chất phù hợp," ông Việt nói.

Tuy nhiên, chính “chất tích cực” này, sau một thời gian sử dụng đã bộc lộ một số nhược điểm chết người.

“Ở Nhật Bản, PCB sử dụng trong máy bơm, khi máy bị vỡ, lan ra môi trường và rơi vào thực vật dùng để làm nguyên liệu chế biến dầu ăn.  Một thời gian sau, một số người Nhật mắc chứng bệnh rất lạ. Sau khi tìm ngược trở lại, các nhà khoa học đã phát hiện trong dầu ăn của người dân sử dụng có PCB, đến bây giờ vẫn phải xử lý,” ông Nguyễn Anh Tuấn, điều phối viên của Dự án PCB-MEPV, đưa ví dụ.

Thạc sĩ Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì cho rằng, PCB là một loại chất rất bền vững trong môi trường.

“Khi bị phát tán ra môi trường, PCB có thể đi vào thức ăn vào cơ thể con người tích tụ trong các tế bào mô, mỡ với các tế bào khác trong cơ thể con người. Nó sẽ tác động đến các tế bào và gây ra các biến đổi và có thể ngây ra các bệnh hiểm nghèo,” ông cho biết.

Ông Tuấn bổ sung, với mức độ nguy hại nghiêm trọng, thế giới đã cấm sản xuất PCB từ rất lâu. Hiện nay, PCB vẫn còn là bởi nó đã tồn tại trong các máy móc cũ, lạc hậu. Và, Việt Nam là một trong những nước còn nhiều loại máy móc công nghiệp như trên.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tổng lượng PCB ở Việt Nam vào khoảng 10.000 tấn – 20.000 tấn, chủ yếu trong dầu máy.

Sẽ xóa sổ PCB

Theo ông Tuấn, "tuy chưa phát hiện trường hợp nào đáng tiếc do PBC gây ra tại Việt Nam, nhưng chúng ta cũng đã rất tích cực tham gia vào quá trình quản lý và tiêu hủy thứ chất nguy hại này."

Cục trưởng Cục Quản lý chất thải Nguyễn Hòa Bình cho hay, Việt Nam đã tham gia công ước Stockholm về loại bỏ các hóa chất độc hại, công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới. Và, chúng ta cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý các chất khó phân huỷ. PCB nằm trong số đó.

“Để loại bỏ PCB, ở một số nước châu Âu và Bắc Mỹ dùng những lò đốt hiện đại, đốt ở nhiệt độ 1.200 độ C để phá huỷ cấu trúc rất bền vững của PCB. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã bắt đầu sử dụng các phương pháp đốt trong lò xi măng,” ông Bình nói.

Về việc liệu chúng ta có “chậm chân” hay không khi năm 2007 mới bắt đầu thực hiện Dự án Quản lý và thải loại PCB trong các hệ thống điện theo cách thân thiện với môi trường (thí điểm loại bỏ PCB tại Việt Nam) ông Tuấn cho rằng, công ước Stockholm quy định việc không sử dụng PBC từ năm 2020 và tiêu hủy hoàn toàn vào năm 2028 là việc Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

Cũng theo ông Tuấn, hiện dự án này đã đào tạo được hàng trăm nghìn người về quản lý PBC. Ngoài ra, dự án cũng nâng cao được ý thức của người dân trong việc phòng tránh ô nhiễm của chất này, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc với PBC./.

Tại buổi tổng kết dự án PCB - MEPV ngày 13/2, các nhà khoa học đã đưa ra kết quả kiểm kê, phân tích nhanh và đánh giá hiện trạng thiết bị điện lực tại 4 công ty điện lực Phía Nam (gồm: Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Điện lực Đồng Nai, Công ty Điện lực II và Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ).

Theo đó, trong số hơn 1.000 mẫu dầu và 2 mẫu đất được phân tích nhanh, phát hiện gần 10% mẫu dầu vượt ngưỡng PCB cho phép (> 50 ppm đối với mẫu dầu và > 20 ppm đối với mẫu đất). Tuy nhiên, sự vượt ngưỡng này không cao, phần lớn là dưới 100 ppm. Tuy nhiên, một số mẫu lại có hàm lượng Cl- cao, có mẫu lên tới vài nghìn ppm.

Ông Tuấn cho biết, theo quy định của Việt Nam, khi phát hiện hàm lượng PCB trong sản phẩm ở mức 10ppm (10 phần triệu) thì phải xử lý. Trong khi đó, quy định của quốc tế tại công ước Basel là 50ppm.  Trên thế giới, xử lý 1 tấn dầu nhiễm PCB tốn kém từ 3.000USD – 6.000 USD.


Theo Trung Hiền (Vietnam+)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất