Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/6/2019 14:13'(GMT+7)

Việt Nam sẵn sàng đảm đương trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Sáu nước đã ứng cử cho 5 vị trí, trong đó 2 vị trí dành cho nhóm các nước châu Phi, 1 vị trí cho nhóm các nước Mỹ Latinh, 1 vị trí cho nhóm nước Đông Âu và 1 vị trí cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA có 15 ủy viên, trong đó 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên được bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Đây là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại các mối đe dọa hoặc phá hoại hòa bình và đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.

Kỳ bầu cử ủy viên không thường trực HĐBA lần này được cho là khá thuận lợi đối với các nước ra ứng cử bởi ngoài Estonia và Romania phải cạnh tranh phiếu cho 1 vị trí dành cho nhóm nước Đông Âu, 4 nước còn lại đều là những ứng cử viên duy nhất đại diện cho khu vực của mình, nên cơ hội trúng cử rất cao. 

Là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại HĐBA LHQ từ ngày 1/1/2020 nếu đạt số phiếu ủng hộ bằng hoặc hơn 70% tổng số các nước thành viên LHQ tham gia bỏ phiếu (tức là khoảng 128, 129 phiếu), không tính các phiếu trắng không có ý kiến hoặc những nước bị truất quyền bỏ phiếu do không hoàn thành trách nhiệm đóng góp tài chính cho hoạt động của LHQ.

Cho đến thời điểm này, Libya là nước duy nhất không được phép bỏ phiếu. 

Nhìn vào kết quả bỏ phiếu ủy viên không thường trực HĐBA trong 2 năm gần nhất là 2017 và 2018 thì việc bỏ phiếu diễn ra khá suôn sẻ, với sự đồng thuận cao, và chỉ sau một vòng bỏ phiếu LHQ đã lựa chọn được 5 nước trúng cử với số phiếu ủng hộ áp đảo từ 95% trở lên. 

Tuy nhiên, cũng có những năm cuộc bỏ phiếu phải trải qua tới 6 vòng mới bầu được đủ 5 ủy viên HĐBA, như năm 2016. Lúc đó, sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, chỉ có 3 nước đạt đủ số phiếu cần thiết để trúng cử, còn Kazakhstan cần tới 2 vòng và Italy thậm chí cần tới 6 vòng mới trở thành ủy viên không thường trực HĐBA.

Việc các nước châu Á - Thái Bình Dương tại LHQ nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, thể hiện cộng đồng quốc tế ghi nhận những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này trong 42 năm qua, nhất là trong những lĩnh vực trụ cột của LHQ như gìn giữ và xây dựng hòa bình, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển. 

Uy tín của Việt Nam là một ủy viên không thường trực HĐBA LHQ có trách nhiệm cao và đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ đã được khẳng định từ khi Việt Nam trúng cử HĐBA lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2008-2009. Sau 10 năm, uy tín của Việt Nam tại LHQ tiếp tục được nâng cao, thể hiện qua vai trò tích cực, chủ động trong các hoạt động của LHQ mà gần đây nhất là việc cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại những điểm nóng chiến sự ở châu Phi như Nam Sudan.

Việt Nam cũng đã chuẩn bị hết sức tích cực, nước rút trong vòng hơn một năm qua sau khi chính thức được đề cử vào tháng 5/ 2018, thông qua hàng loạt hoạt động gặp gỡ song phương và đa phương, ở nhiều cấp độ, để chuyển tới các nước thành viên LHQ thông điệp rõ ràng, kế hoạch hành động minh bạch, cụ thể của Việt Nam nếu trúng cử vào HĐBA. Theo đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương cả trên bình diện khu vực và thế giới, đẩy mạnh phát triển bền vững, cam kết tham gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như cải thiện quyền con người. Việt Nam cũng xác định những lĩnh vực sẽ tập trung ưu tiên giải quyết nếu trúng cử vào HĐBA, trong đó nổi bật là việc ngăn chặn xung đột và tăng cường ngoại giao phòng ngừa, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện Chương VI, Hiến chương LHQ về giải quyết xung đột thông qua các giải pháp hòa bình.

Việt Nam cũng đề xuất cải tiến các phương pháp hoạt động của HĐBA, tăng cường gắn kết với các tổ chức khu vực như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà hiện Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng là nước chủ tịch trong năm 2020, bảo vệ người dân cũng như các cơ sở hạ tầng dân sự trong các cuộc xung đột vũ trang cũng như tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Đề xuất gắn kết hoạt động với các tổ chức khu vực như vậy sẽ giúp Việt Nam cùng lúc thúc đẩy được mục tiêu chung của cả hai tổ chức: đó là gìn giữ sự ổn định, kiến tạo hòa bình và phát triển bền vững cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, Việt Nam sẽ góp phần giúp LHQ, nhất là HĐBA, có cái nhìn rõ ràng hơn về khu vực này. Việt Nam cũng nhấn mạnh mối quan tâm của mình đối với các chủ đề liên quan tới việc đảm bảo an ninh và hòa bình cho phụ nữ, trẻ em, nhất là ở những khu vực có chiến tranh, xung đột.

Theo đánh giá của đại sứ một số nước hiện hoặc từng tham gia HĐBA, quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình là phù hợp với cộng đồng quốc tế và pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, việc trúng cử và trở thành ủy viên không thường trực HĐBA mới chỉ là thử thách đầu tiên Việt Nam phải vượt qua. Những thách thức trong 2 năm nhiệm kỳ tới sẽ nhiều và vô cùng phức tạp trong bối cảnh 5 ủy viên thường trực của HĐBA luôn có những khác biệt về quan điểm chính trị, và Việt Nam sẽ phải hợp tác hiệu quả với 9 ủy viên không thường trực khác nếu muốn có được đồng thuận trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Một yếu tố thuận lợi, là đại diện ngoại giao nhiều nước tại LHQ đánh giá cao những kinh nghiệm của Việt Nam có được khi xử lý các vấn đề trong nhóm ASEAN sẽ góp phần giải quyết các vấn đề ở HĐBA.

Việt Nam sẽ cần nỗ lực bắt nhịp với những mảng công việc của HĐBA bởi cục diện thế giới trong thời điểm hiện nay rất khác, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, chủ nghĩa đa phương bị suy yếu ít nhiều, và trật tự luật pháp quốc tế cũng bị đe dọa.  Có thể thấy, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều nước đã quay lưng với những vấn đề quan trọng của cả thế giới như biến đổi khí hậu và tự do hóa thương mại. Mỹ và một số nước đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015, trong khi phong trào dân túy và bảo hộ mậu dịch tiếp tục lan rộng ở các nước châu Âu. Nhiều thành quả đạt được sau rất nhiều nỗ lực của LHQ bỗng chốc bị phá vỡ, ví dụ gần đây nhất là việc Mỹ công nhận cao nguyên Golan là của Israel, bất chấp nghị quyết của LHQ coi Golan là vùng đất do Israel chiếm đóng của Syria.

Nhiều vấn đề xung đột phức tạp và lâu dài vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết. Việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện vẫn bế tắc, căng thẳng ở Biển Đông cũng chưa có dấu hiệu tìm thấy tiếng nói chung. Gần đây nhất, quan hệ Mỹ- Iran đã bị đẩy lên một nấc thang mới với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới. Các cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, Yemen và Libya đã kéo dài nhiều năm, dù đây là những vấn đề HĐBA liên tục đưa lên bàn nghị sự. Vấn đề bạo lực, nội chiến đẫm máu ở châu Phi hiện vẫn là một trong những vấn đề nóng nhất của thế giới.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 7/6, cộng đồng quốc tế sẽ thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm đối với Việt Nam. Với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và kinh nghiệm từ nhiệm kỳ ủy viên không thường trực lần trước, nếu trúng cử, Việt Nam có thể sẵn sàng vượt qua thử thách để đảm đương trọng trách đóng góp cho hòa bình và ổn định thế giới.

Hải Vân (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất