Đó cũng là cơ hội to lớn để Việt Nam
tăng cường quan hệ với các đối tác ở khu vực, đóng góp vào các quan tâm
chung của châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao vai trò, vị thế trên trường
quốc tế. Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn,
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Chủ tịch SOM APEC 2017 đã trả
lời phỏng vấn báo chí.
Năm APEC 2017 - Thách thức và cơ hội
Đây
là lần thứ hai Việt Nam được vinh dự đảm nhận trọng trách chủ nhà của
các hoạt động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Thứ
trưởng có thể cho biết Việt Nam sẽ có những thách thức và cơ hội gì
trong Năm APEC 2017?
Sau
hơn 10 năm là chủ nhà của Năm APEC lần đầu tiên năm 2006, Việt Nam một
lần nữa được bạn bè quốc tế tín nhiệm giao đảm nhận trọng trách chủ nhà
của các hoạt động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trở
thành một trong số ít nước được tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng
này hai lần chỉ trong hơn một thập kỷ. Đây là minh chứng sống động cho
sự tín nhiệm cộng đồng quốc tế và khu vực dành cho Việt Nam. Việc "chủ
động" gánh vác trọng trách này cũng là bước đi quan trọng triển khai
chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể của nước ta, trong đó khu vực châu Á
- Thái Bình Dương là một trọng tâm.
Diễn
ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển
sâu sắc và khó đoán định hơn, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình
Dương trong năm 2017 và những năm tới được dự báo đứng trước không ít
thách thức mới.
Thách thức lớn nhất đối với các thành
viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương nói chung và Việt
Nam nói riêng trong tình hình mới chính là làm thế nào để duy trì vai
trò của Diễn đàn là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực,
góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình
Dương, như mục tiêu ban đầu các thành viên đã đề ra khi Diễn đàn được
thành lập năm 1989.
Đó
cũng là thách thức đối với việc tiếp tục các nỗ lực chung về tự do hóa,
thuận lợi hóa thương mại và đầu tư ở khu vực, trong đó có việc hoàn tất
các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020 theo đúng lộ trình đề ra khi chiều
hướng gia tăng bảo hộ, hướng nội đang nổi lên ở một số nền kinh tế.
Bên
cạnh đó còn là thách thức về nâng cao đóng góp của Diễn đàn trong việc
giải quyết các thách thức toàn cầu về tạo công ăn việc làm, thu hẹp bất
bình đẳng, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực, già
hóa dân số, di cư... Làm được điều này đồng nghĩa với việc Diễn đàn hợp
tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ góp phần thiết thực vào triển
khai các mục tiêu chung của nhân loại về phát triển bền vững và ứng phó
với biến đổi khí hậu cùng nhiều thách thức khác mà thế giới đang phải
đối mặt.
Tuy
nhiên, nhìn dưới góc độ khác, tình hình trên cũng mở ra những cơ hội
mới đối với triển vọng hợp tác của Diễn đàn và của các thành viên.
Môi
trường hòa bình và phát triển của thế giới và khu vực càng bị thách
thức, nhu cầu hợp tác, liên kết giữa các khu vực và giữa các nước ở châu
Á- Thái Bình Dương càng tăng lên. Đây là cơ hội lớn để các thành viên
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương đẩy mạnh hợp tác sâu
rộng hơn.
Trên
thực tế, tiềm năng hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình
Dương chưa bao giờ sâu rộng như hiện nay. Sau gần ba thập niên phát
triển, số lượng ủy ban, nhóm công tác của Diễn đàn đã tăng gần gấp 3
lần, lên khoảng 50, bao trùm rất nhiều lĩnh vực, không chỉ các vấn đề
kinh tế, thương mại thuần túy mà đã mở rộng sang các vấn đề kinh tế -
thương mại thế hệ mới, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát
triển, an ninh lương thực, an ninh năng lượng...
Trong
khi tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đang chững lại, xu thế
chống toàn cầu hóa đang manh nha ở một số khu vực, châu Á-Thái Bình
Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới, là
động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, trong đó nhiều nền kinh
tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương có vai
trò nòng cốt.
Với
nguyên tắc hoạt động cùng có lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng
buộc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang tiếp tục tiên
phong trong nhiều nỗ lực toàn cầu về tự do hóa thương mại và đầu tư. Đó
là vấn đề kết nối toàn diện, tạo thuận lợi cho các chuỗi cung ứng, hỗ
trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia
các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế số, kinh tế mạng…
Việc thuận lợi hóa thương mại ở khu vực cũng đạt những kết quả tích
cực. Chỉ trong vòng 4 năm, từ 2010- 2014, chi phí giao dịch thương mại
giữa các thành viên APEC đã giảm 12%. Nhiều nền kinh tế của Diễn đàn
tiếp tục là những đầu tầu liên kết kinh tế quốc tế.
Đối
với Việt Nam, thuận lợi lớn là nước ta đã có kinh nghiệm tổ chức Năm
APEC 2006 và đảm nhiệm nhiều trọng trách đa phương trong nhiều năm hội
nhập quốc tế. Nội lực đất nước đã được nâng cao sau 30 năm đổi mới. Việt
Nam đang là một trong số những nền kinh tế đi đầu APEC trong tăng
trưởng và liên kết khu vực. Trong 8 tháng đầu năm 2016, dù thương mại
thế giới suy giảm, ta là một trong số ít nền kinh tế APEC duy trì được
tăng trưởng xuất khẩu. Trong nước, Chính phủ đang đẩy mạnh toàn diện,
đồng bộ công cuộc đổi mới, tiến hành tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô
hình tăng trưởng. Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do
(FTA) quy mô lớn như TPP, RCEP, FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu...,
Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế
rộng lớn với 59 đối tác, bao gồm 18 thành viên APEC. Chúng ta cũng tiếp
tục phát huy bản lĩnh đối ngoại độc lập, tự chủ, được bạn bè quốc tế tin
tưởng và đánh giá cao.
Mặt
khác, với kỳ vọng và khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn, Năm
APEC 2017 đòi hỏi có sự vào cuộc, tham gia tích cực của các cấp, các
ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, học giả và người dân cả nước.
Tôi cho rằng sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị là bài
học thành công lớn nhất chúng ta cần phát huy trong Năm APEC 2017.
Năm 2016, nước rút của công tác chuẩn bị
Thứ trưởng có thể cho biết công tác chuẩn bị Năm APEC 2017 của Việt Nam trong thời gian qua như thế nào?
Với
gần 200 hoạt động lớn nhỏ ở các cấp xoay quanh chủ đề “Tạo động lực
mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trải dài trên 10 tỉnh, thành phố từ
Bắc vào Nam trong suốt cả năm 2017, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ
cấp cao diễn ra vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng, Năm APEC 2017 là
hoạt động đối ngoại có quy mô lớn nhất mà Việt Nam sẽ tổ chức từ nay đến
năm 2020.
Ý
thức được trách nhiệm và khối lượng công việc to lớn cần phải triển
khai, Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào công tác chuẩn bị từ cách đây
gần ba năm. Ngay trong các năm 2014 và 2015, Việt Nam đã tích cực trao
đổi và chủ động phối hợp với các chủ nhà Năm APEC để học hỏi kinh nghiệm
cả về chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất hậu cần, lễ tân, báo chí… Bộ
máy tổ chức cũng đã sớm được hình thành với sự ra đời của Ủy ban Quốc
gia APEC 2017 vào tháng 7/2015, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính
phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và sự tham gia của 24 Bộ, cơ
quan và tỉnh thành thành viên. Với năm Tiểu ban phụ trách các vấn đề
nội dung, vật chất và hậu cần, an ninh và y tế, tuyên truyền và văn hóa
và lễ tân, đây là cơ chế then chốt để bảo đảm điều phối một cách tổng
thể toàn bộ các công tác chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017.
Trên
cơ sở đúc kết bài học của các nước cũng như kinh nghiệm hoạt động đối
ngoại đa phương Việt Nam, chúng ta cũng đã sớm hoàn tất các văn bản định
hướng dài hạn cho công tác tổ chức, từ việc lựa chọn địa điểm tổ chức
Tuần lễ cấp cao và các hoạt động chính trong năm 2017, xây dựng đề xuất
về chủ đề và các ưu tiên, công tác đào tạo đội ngũ… để bảo đảm việc
chuẩn bị cho Năm APEC diễn ra đồng bộ, hiệu quả và đúng tiến độ.
Có
thể nói, đến nay, các công tác chuẩn bị trên mọi mặt đã cơ bản được
hoàn tất theo đúng lộ trình để Việt Nam sẵn sàng bước vào đảm nhiệm vai
trò chủ nhà Năm APEC 2017.
Về
nội dung, chúng ta đã nỗ lực để bảo đảm các đề xuất, ý tưởng và sáng
kiến của nước ta đi đúng và trúng các quan tâm chung của khu vực và phù
hợp xu thế chung của hợp tác toàn cầu, đồng thời phản ánh được quan tâm
của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có nước ta và các thành
viên ASEAN. Nhờ làm kỹ khâu chuẩn bị cùng với việc sớm tranh thủ sự ủng
hộ của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái
Bình Dương và các tổ chức quốc tế, chủ đề và các ưu tiên mà nước ta đề
xuất đã nhận được sự nhất trí của các thành viên tại Hội nghị không
chính thức các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái
Bình Dương tại Hà Nội đầu tháng 12 vừa qua.
Công
tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, lễ tân hậu cần, truyền thông,… được đẩy
lên một bước. Các Bộ, cơ quan và các tỉnh thành liên quan đã tích cực
vào cuộc, đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở vật chất tại thành phố Đà Nẵng
và các địa phương được lựa chọn tổ chức các hoạt động của Năm APEC.
Trang thông tin điện tử chính thức của Năm APEC 2017 đã đi vào hoạt động
từ cuối tháng 11/ 2016, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, thiết thực
về Diễn đàn và Năm APEC 2017, cũng như tạo thuận lợi cho các đại biểu
và phóng viên quốc tế đăng ký tham dự các hoạt động tại Diễn đàn. Việc
lựa chọn biểu trưng, bộ nhận diện của Năm APEC 2017 cũng đã được hoàn
tất, cùng các phim ngắn, ấn phẩm để giới thiệu về Năm APEC 2017… nhằm
quảng bá hình ảnh đất nước và con người cũng như các tiềm năng về đầu
tư, kinh doanh, du lịch của Việt Nam. Công tác chuẩn bị về lễ tân, đào
tạo đội ngũ cũng được gấp rút thực hiện.
Chìa khóa thành công
Theo
Thứ trưởng trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp
sẽ tích cực chuẩn bị như thế nào trong Năm APEC 2017?
Trên
hành trình gần 20 năm là thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu
Á- Thái Bình Dương, Việt Nam luôn khẳng định vai trò thành viên tích
cực, chủ động với những đóng góp thiết thực vào tiến trình hợp tác của
Diễn đàn.
Bởi
vậy, để Năm APEC 2017 là năm đột phá trong triển khai chủ trương hội
nhập quốc tế sâu rộng và góp phần đưa chủ trương của Đại hội Đảng lần
thứ XII về “nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại đa
phương” đi vào cuộc sống, hơn lúc nào hết cần đến sự “vào cuộc” tích
cực, chủ động hơn nữa của các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương.
Để
làm được điều này, trước tiên, các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa
phương cần có tư duy mới và cách làm mới trong tham gia và triển khai
công tác đối ngoại đa phương, trong đó có việc tham gia Diễn đàn hợp tác
kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Đó là tư duy và cách làm gắn với tinh
thần “chủ động khởi xướng, đóng góp các ý tưởng, sáng kiến, tham gia
định hình” các cơ chế, luật chơi khu vực và toàn cầu.
Đối
với các Bộ, ngành, từ nay đến hết năm 2018 là giai đoạn “thử lửa” khi
Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò chủ trì, điều phối hoạt động của khoảng 20
trong tổng số hơn 50 ủy ban, nhóm công tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế
châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, một yêu cầu quan trọng là các bộ, ngành
cần khẩn trương chuẩn bị đội ngũ có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại
ngữ, bản lĩnh và kỹ năng đa phương… để nắm bắt các cơ hội của Năm APEC
2017 và đóng góp vào việc định hướng các hoạt động hợp tác của Diễn đàn.
Các
hoạt động phong phú của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
trong suốt cả năm 2017 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp và địa phương
đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, tăng cường thu hút du lịch, quảng bá hình
ảnh đất nước và con người Việt Nam cũng như giới thiệu các thế mạnh và
tiềm năng hợp tác với các đối tác hàng đầu ở khu vực và trên thế giới.
Để hiện thực hóa những cơ hội này, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp và
địa phương cần có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động tìm hiểu thị hiếu, nhu
cầu của các đối tác, các thị trường trong khu vực, hình thành và triển
khai các ý tưởng để quảng bá thế mạnh và bản sắc của mình... Các doanh
nghiệp và địa phương cũng cần tận dụng cơ hội này để nâng cao năng lực
hội nhập quốc tế và từng bước góp phần xây dựng nền văn hóa hội nhập của
Việt Nam.
Là
một trong số ít những cơ chế hợp tác đa phương đề cao sự tham gia, đóng
góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2017, sẽ có nhiều hoạt động
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gắn với doanh nghiệp
được tổ chức. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực phát huy vai trò
trong các dịp này, thông qua việc đóng góp các ý tưởng, sáng kiến để
thúc đẩy hợp tác Diễn đàn mang lại những kết quả thiết thực và cụ thể
cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là sự tham gia, đóng góp của
doanh nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn hợp tác kinh
tế châu Á-Thái Bình Dương (CEO Summit), các cuộc họp của Hội đồng tư
vấn doanh nghiệp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương…
Với
sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao, sự tham gia tích cực của các
bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương, chúng ta có đầy đủ cơ sở tin
tưởng Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ thành công tốt đẹp.
Thưa Thứ trưởng, các cơ quan thông tấn báo chí có thể làm gì để đóng góp vào thành công của Năm APEC Việt Nam 2017?
Lâu
nay, truyền thông báo chí có tác động to lớn đến đời sống xã hội, và có
vai trò hết sức quan trọng đối với thành công của các sự kiện đối ngoại
trọng đại của đất nước. Trong thời đại ngày nay khi công nghệ, nhất là
công nghệ số, phát triển mạnh mẽ như vũ bão, quyền lực của giới truyền
thông báo chí càng được nâng cao. Báo chí truyền thông không chỉ tác
động, định hướng dư luận, mà còn tạo cơ hội tương tác nhiều chiều, cho
phép các cơ quan, các nhà hoạch định chính sách nắm bắt, hiểu hơn tâm tư
của người dân, của các doanh nghiệp để có những quyết sách đúng đắn và
phù hợp.
Công
tác truyền thông báo chí đối với Diễn đàn APEC và các thành viên APEC
cũng rất quan trọng. Bộ phận phụ trách về quan hệ công chúng và báo chí
của Ban Thư ký APEC quốc tế được hình thành cách đây gần 20 năm, với các
định hướng hoạt động dài hạn. 10% nhân sự của Ban thư ký APEC quốc tế
tập trung vào công tác truyền thông báo chí, dù tổng số người khá eo
hẹp, khoảng 40 người, lại phải xử lý một lượng công việc lớn. Các con số
này nói lên sự coi trọng của APEC đối với giới báo chí và truyền thông.
Tại
Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp của APEC tại Hà Nội
tháng 12 vừa qua, nhiều thành viên APEC đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng
cường công tác thông tin để người dân và các doanh nghiệp hiểu đầy đủ
hơn về Diễn đàn và những đóng góp thiết thực, cụ thể của Diễn đàn đối
với tăng trưởng, tự do hóa thương mại và đầu tư của các nền kinh tế và
cải thiện chất lượng đời sống của người dân. Đây là nhu cầu chính đáng
của các thành viên trong bối cảnh xu hướng chống tự do hóa thương mại và
đầu tư, dân túy, bảo hộ… đang nổi lên. Đồng thời, nhu cầu này mở ra cơ
hội to lớn để giới truyền thông báo chí phát huy vai trò trong Năm APEC
2017.
Tôi
tin tưởng trong năm 2017, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ đóng vai trò
cầu nối, mang APEC đến gần hơn với các địa phương, doanh nghiệp, người
dân.
Với
các độc giả, khán giả trong nước, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo
chí chủ động truyền tải các thông điệp lớn của APEC 2017 đến với các địa
phương, doanh nghiệp và người dân. Các chuyên đề, chuyên mục, chương
trình riêng… về APEC cần được tăng cường để thông tin cho tất cả người
dân biết tới những hoạt động lớn và những nội dung hợp tác chủ đạo của
APEC trong năm 2017, ý nghĩa và những lợi ích APEC có thể mang lại cho
chúng ta. Qua đó, tạo cho các địa phương, doanh nghiệp, các tầng lớp
nhân dân tâm thế sẵn sàng đồng hành, tham gia đóng góp cho các hoạt động
của APEC, bảo đảm tạo thêm những dấu ấn thành công của Năm APEC 2017
tại Việt Nam.
Với
bè bạn quốc tế, báo chí cần góp phần giới thiệu hình ảnh một nước Việt
Nam quyết tâm đổi mới, hội nhập sâu rộng; những con người Việt Nam thân
thiện, hoà nhã, mến khách; một nền kinh tế Việt Nam tràn đầy tiềm năng
hợp tác và đầu tư.
Nhân
dịp các hoạt động của APEC, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo
chí Việt Nam sẽ có dịp kết nối, gặp gỡ với các cơ quan truyền thông
trong khu vực và cơ quan truyền thông của Ban Thư ký APEC quốc tế để
cùng trao đổi, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến về truyền thông, qua đó
thể hiện hình ảnh một Việt Nam năng động, luôn bắt kịp với những bước
tiến của thế kỷ XXI.
Về
phía Ủy ban Quốc gia APEC 2017, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầy đủ
và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các phóng viên tác nghiệp, đưa tin bài về
các hoạt động của APEC trong năm 2017.
Trân trọng cảm ơn!.
(TTXVN)