Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/7/2017 9:11'(GMT+7)

Việt Nam sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư Đức

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, chiều 6/7 theo giờ Berlin, tức đêm cùng ngày theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier tại Phủ Tổng thống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp lại Ngài Tổng thống Walter Steinmeier; đánh giá cao những đóng góp tích cực của Tổng thống trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Đức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của Tổng thống và phía Đức đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở châu Âu và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tổng thống Walter Steinmeier đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội mà ông đã có dịp chứng kiến nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2016 khi còn là Ngoại trưởng Đức. Tổng thống cho rằng hai nước hiện có nền tảng vững chắc, đó là mối quan hệ Đối tác chiến lược và Kế hoạch hành động hàng năm; khẳng định Đức luôn coi trọng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam, một đối tác có vị thế ngày càng quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong cuộc hội kiến, hai bên đánh giá cao việc hai nước có quan hệ gắn bó lâu đời, hài lòng nhận thấy quan hệ hai nước tiếp tục có những bước phát triển tích cực trong các lĩnh vực chính trị​-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo, lao động-dạy nghề và khoa học-công nghệ.

Trong nhiều năm liên tục, Đức luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 9 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 5 trong EU với tổng vốn đăng ký đạt 1,4 tỷ USD hiện nay.

Tổng thống Đức cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sắp được ký kết và dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi vào hoạt động trong quý 3 năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn phía Đức khuyến khích các tập đoàn hàng đầu cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế biến, chế tạo, năng lượng sạch, công nghiệp thực phẩm..; khẳng định Việt Nam sẽ tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đức hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo vui mừng trước hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, lao động-dạy nghề và khoa học-công nghệ; nhất trí tiếp tục nỗ lực đưa trường Đại học Việt-Đức sớm thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, đào tạo ra những kỹ sư đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong hợp tác khoa học-công nghệ, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như điện gió, công nghệ thông tin và truyền thông, cơ khí chế tạo…

Tổng thống Walter Steinmeier đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Đức chăm chỉ, cần mẫn, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của sở tại, nhiều người đã về Việt Nam làm ăn kinh doanh hiệu quả, và là cầu nối làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Đối với vấn đề Biển Đông, Tổng thống Walter Steinmeier khẳng định Đức ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông; ủng hộ lập trường giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất