Trả lời độc giả trong cuộc đối thoại trực tuyến về chiến lược phát triển công nghệ thông tin (CNTT) sáng nay (16/8), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định, căn cứ vào thực tiễn phát triển của viễn thông và CNTT Việt Nam trong 5 năm gần đây, chúng ta sẽ thành công với Đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về Viễn thông và công nghiệp CNTT”.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, đề án được lãnh đạo Bộ TTTT thông qua ngày 3/8/2009 và đang trình Chính phủ phê duyệt.
Theo đề án này, 4 trụ cột chính trong một nền CNTT-TT mạnh được Bộ TTTT xác định bao gồm: Hạ tầng CNTT-TT, Ứng dụng CNTT, Công nghiệp CNTT và Nhân lực CNTT-TT. Việt Nam sẽ phát triển trên 4 lĩnh vực này với các định hướng cụ thể. Với hạ tầng viễn thông là phát triển hạ tầng băng rộng công cộng. Ứng dụng CNTT là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Với Công nghiệp CNTT là tiếp tục đẩy mạnh gia công cho các tập đoàn đa quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mới; ưu tiên đầu tư cho việc phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số có sáng tạo của Việt Nam để tiếp tục khẳng định vị trí trong nước, tạo lập được thị trường xuất khẩu quốc tế với doanh thu ngày càng tăng.
Về nguồn nhân lực CNTT là tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyên về CNTT có trình độ cao (nhân lực mũi nhọn).
Dựa trên 4 trụ cột này, đề án đã xác định 6 mục tiêu cụ thể về hạ tầng viễn thông; đưa thiết bị nghe nhìn, máy tính, Internet đến các hộ gia đình; mục tiêu về ứng dụng CNTT; mục tiêu về công nghiệp CNTT; mục tiêu về nguồn nhân lực CNTT; và mục tiêu hình thành các tập đoàn trong lĩnh vực viễn thông và CNTT làm chủ quốc gia, mở rộng hoạt động trên phạm vi quốc tế.
Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, sẽ phải tăng tốc trong việc phát triển 4 trụ cột nói trên, chiếm những vị trí ưu thế nhất định trên bản đồ CNTT-TT thế giới.
Theo đó, đến giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ phải là một trong 70 nước phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới.
Tiền đề cho sự thành công
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện tại, Việt Nam đứng thứ hạng 92 trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Cách đây 5 năm, Việt Nam đứng thứ 107. Như vậy, sau 5 năm, Việt Nam tăng được 15 bậc trong bảng xếp hạng.
Năm 2008, Chỉ số Chính phủ điện tử VN (E-Gov) tăng 15 bậc, xếp thứ 92, so với năm 2005; Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng của VN (Networked Readiness Index – NRI) tăng hơn 10 bậc so với xếp hạng năm 2006-2007, đứng vị trí 73/ 127; Chỉ số phát triển hạ tầng viễn thông tăng 20 bậc so với năm 2005, đứng thứ 101.
Bên cạnh đó, trong năm qua, ngành Công nghiệp CNTT-TT có mức tăng trưởng vượt bậc, bình quân đạt 25%/năm. Công nghiệp phần cứng máy tính đạt khoảng 700 triệu USD (tăng 16%); Công nghiệp phần mềm đạt khoảng 670 triệu USD (tăng 35%); Công nghiệp nội dung số đạt khoảng 270 triệu USD (tăng 50%).
Ngoài ra, chúng ta đã và đang ban hành nhiều chính sách thông thoáng tạo hành lang cho sự phát triển của ngành viễn thông và CNTT.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, yếu tố quan trọng cho sự thành công là quyết tâm cao độ của các cơ quan Nhà nước (Chính phủ, Bộ TTTT, các Sở TTTT…) và sự quyết tâm, nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp viễn thông và CNTT.
Giải pháp hướng tới quốc gia mạnh về viễn thông và CNTT
Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về viễn thông và CNTT như các giải pháp về xã hội hóa, đầu tư, thể chế mở đường và về chính sách.
Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, đẩy mạnh gia công cho các tập đoàn đa quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mới; ưu tiên đầu tư cho việc phát triển các sản phẩm phần mềm và nội dung số của Việt Nam để tiếp tục khẳng định vị trí trong nước, tạo lập được thị trường xuất khẩu quốc tế với doanh thu ngày càng tăng, tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyên về CNTT có trình độ cao (nhân lực mũi nhọn), bổ sung cho lực lượng khoảng 100.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng, 30.000 nhân lực về công nghiệp phần mềm.
Đề án cũng sẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông và CNTT gia nhập thị trường thế giới, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, từ đó hình thành các tập đoàn viễn thông và CNTT Việt Nam làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế, cụ thể hình thành các quỹ kích cầu cho công nghiệp CNTT, hỗ trợ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm ưu đãi tối đa các doanh nghiệp công nghiệp CNTT.
Hiện nay, Bộ TTTT đang đề xuất các chính sách về thuế, Khu công nghiệp tập trung đối với doanh nghiệp sản xuất phần mềm.
Từ sự hình thành các doanh nghiệp viễn thông và CNTT quy mô thế giới cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực CNTT, theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, chúng ta có tiền đề tốt để xuất hiện những “Bill Gates của Việt Nam”.
Với những nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tiềm năng của Việt Nam cũng như cùng các giải pháp hữu hiệu, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tin tưởng Đề án này sẽ thành công đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thông và CNTT./.
(Cổng TTĐTCP)