Thứ Năm, 28/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 7/11/2012 10:40'(GMT+7)

Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 81

Lễ khai mạc Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 tại Việt Nam năm 2011.

Lễ khai mạc Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 tại Việt Nam năm 2011.

Thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam, đã tham dự Kỳ họp. 

Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 81 dự kiến tập trung thảo luận những vấn đề nổi cộm được cho là thách thức đối với lực lượng thực thi pháp luật của các nước trên thế giới hiện nay như an ninh biên giới, tội phạm có tổ chức, chủ nghĩa khủng bố, việc truy nã tội phạm bỏ trốn, bảo vệ di sản văn hóa, đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp cũng như xử lý khủng hoảng và các hoạt động hỗ trợ.

Trước đó, trong khuôn khổ Kỳ họp, ngày 5/11, Hội nghị Bộ trưởng Interpol cũng đã nghe nhiều bài tham luận của các đoàn về những chủ đề xoay quanh phòng chống tội phạm, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Đoàn Việt Nam có bài tham luận gửi đến Hội nghị với chủ đề “Tội phạm sử dụng bạo lực và pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tội phạm sử dụng bạo lực”. Tham luận xác định tội phạm có sử dụng bạo lực là loại tội phạm nguy hiểm nhất cho cộng đồng và đang có xu hướng ngày càng tăng ở Việt Nam, đặc biệt là hoạt động của các băng nhóm tội phạm và người phạm tội hình sự. Trước tình hình này, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, tấn công tội phạm có sử dụng bạo lực, như hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác giáo dục pháp luật, triển khai Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, tập trung triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm...

Việt Nam nhận thấy tội phạm có sử dụng bạo lực, đặc biệt là các loại tội phạm khủng bố, buôn lậu ma túy và buôn bán người, hiện đã trở thành vấn đề mang tính xuyên quốc gia, gây nên mối đe dọa chung đối với an ninh – trật tự của các nước trên thế giới. Để phòng chống tội phạm có hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam đề nghị các quốc gia thành viên Interpol chủ động nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về phòng chống tội phạm có sử dụng bạo lực theo hướng phù hợp với với các Điều ước quốc tế; tăng cường ký kết các hiệp định song phương về dẫn độ, hỗ trợ tư pháp, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm.

Hội nghị Bộ trưởng Interpol đã ra tuyên bố chung lên án những hành vi của tội phạm bạo lực; bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự phát triển của tội phạm bạo lực tại các quốc gia và xuyên quốc gia; thừa nhận tội phạm bạo lực là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an toàn và an ninh của cộng đồng cũng như đối với các cơ quan thực thi pháp luật; lên án những hành động bạo lực khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, bạo lực kích động bởi ý thức hệ... Tuyên bố chung nhấn mạnh đến việc cần tăng cường hoạch định chiến lược và đưa ra các nguyên tắc hoạt động mới trong công tác cảnh sát; tiếp tục nghiên cứu những phương án khả thi trong việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu lực lượng cảnh sát của các quốc gia; tăng cường hợp tác cảnh sát quốc gia và xuyên quốc gia, đặc biệt là trong vấn đề chia sẻ thông tin liên quan đến tội phạm; kêu gọi các bên liên quan xem xét việc phát triển, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng thực thi pháp luật, đồng thời khuyến khích việc nghiên cứu, phân tích nhằm tìm hiểu rõ hơn tác nhân khiến tội phạm bạo lực gia tăng.

Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 81 dự kiến sẽ tiến hành bầu Chủ tịch và các vị trí trong Ban lãnh đạo thường trực Interpol, đồng thời cũng đề xuất địa điểm tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 83 vào năm 2014.

Interpol là tổ chức cảnh sát quốc tế với 190 nước thành viên. Việt Nam trở thành thành viên thứ 156 của Interpol vào ngày 4/11/1991. Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Cảnh sát Việt Nam gia nhập Interpol, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 tại Hà Nội./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

G-20 sẽ làm mọi điều để vực dậy kinh tế toàn cầu

G-20 sẽ làm mọi điều cần thiết để tăng cường sức khỏe chung và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu; thừa nhận tăng trưởng trên toàn cầu vẫn còn khiêm tốn và các nguy cơ kinh tế phát triển chậm lại tăng lên; hoan nghênh việc ra đời Cơ cấu Ổn định châu Âu (ESM) và các biện pháp chính sách do Ngân hàng Trung ương châu Âu và các nước châu Âu thực hiện. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ đảm bảo tốc độ củng cố tài chính phù hợp với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế; tuyên bố Mỹ sẽ thận trọng xác định tốc độ thắt chặt tài chính để duy trì tài chính công, tránh giảm mạnh ngân sách trong năm 2013; kêu gọi Nhật Bản tiếp tục củng cố tài chính trong trung hạn. Nhóm cũng tuyên bố các nền kinh tế phát triển đã nhất trí xác định mục tiêu tỷ lệ nợ/GDP cụ thể của các nước sau năm 2016; quyết tâm tiến nhanh hơn tới các hệ thống hối đoái do thị trường định đoạt và linh hoạt tỷ giá hối đoái; Tuyên bố bất ổn quá thái của các dòng tài chính và các tỷ giá hối đoái hỗn loạn tác động bất lợi tới sự ổn định kinh tế và tài chính; hoan nghênh quá trình tiếp tục củng cố các nguồn lực của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF); nhất trí thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm thực thi đầy đủ chuẩn tương xứng vốn ngân hàng Basel III; thừa nhận những ảnh hưởng bất lợi của bất ổn quá thái về giá hàng hóa. Đây là phiên họp cuối cùng của G-20 dưới sự điều hành của Mexico. Nga là quốc gia tiếp nhận chức chủ tịch G-20 trong năm 2013 và Australia tiếp quản từ tay Nga trong năm 2014./. (Vietnam+)

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất