Thứ Năm, 21/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 20/11/2019 8:18'(GMT+7)

Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ: Tự hào với sứ mệnh mũ nồi xanh

Sáng 19/11, tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đã diễn ra lễ tiễn cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan (đợt 1).

Người thân của 28 thành viên Bệnh viện đã có mặt để tạm biệt, tiễn các chiến sỹ mũ nồi xanh lên đường làm nhiệm vụ, vì sứ mệnh hòa bình quốc tế. Những cái ôm xiết hẹn ngày trở về, giọt nước mắt của yêu thương, những bàn tay đan chặt, lá cờ đỏ sao vàng cùng niềm tự hào về đất nước Việt Nam…đã xua tan gió lạnh trong buổi sớm mùa Đông.

Tự hào khi có cả bố và mẹ tham gia gìn giữ hòa bình

Thượng úy Lê Hồng Thanh là một trong số các cán bộ, nhân viên lên đường sang Nam Sudan trong đợt 1 xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. Anh là kỹ thuật viên gây mê làm việc trong phòng mổ thuộc Khoa Ngoại của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2.

Điều đặc biệt là trong quân số của Bệnh viện 2.2 còn có tên của vợ anh - chị Lê Thị Hồng Vân. Chị Vân sẽ lên đường sang Nam Sudan vào đợt chuyển quân thứ hai của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2.

Anh tâm sự niềm vinh dự và tự hào nhân đôi, song để hoàn thành quá trình huấn luyện đào tạo, hai vợ chồng đã cùng nhau vượt qua nhiều thách thức để vừa chu toàn được công việc gia đình, vừa đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu, quy chuẩn khắt khe của một cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến.

Không ngại vất vả, không ngại khó khăn, song điều lưu tâm của vợ chồng anh Thanh là đứa con gái nhỏ mới tròn 3 tuổi sẽ thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ trong vòng một năm, khi anh chị công cùng tác tại phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.

Viet Nam tham gia gin giu hoa binh LHQ: Tu hao voi su menh mu noi xanh hinh anh 2Đại úy Nguyễn Văn Quỳnh chia tay người thân tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tuy nhiên, may mắn là bà nội của bé rất ủng hộ và bà đã xin nghỉ hưu sớm ở Bệnh viện Quân y 103 để dành thời gian toàn tâm toàn ý chăm sóc cháu, với mong muốn hai con yên tâm làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.

Anh Thanh chia sẻ, quá trình đào tạo, chuẩn bị cho việc tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 khác biệt rất nhiều so với công việc mà anh vẫn thực hiện tại Việt Nam.

Không chỉ đòi hỏi đảm bảo quy trình rõ ràng, thao tác ở một bệnh viện dã chiến còn yêu cầu cán bộ, kỹ thuật viên y tế phải thật khẩn trương, nhưng vẫn phải thực hiện đúng các bước theo yêu cầu của Liên hợp quốc.

Trước lúc lên đường, tâm tư của anh Thanh dồn về cô con gái nhỏ: "Chúng tôi lo lắng cho đứa con thơ ở nhà, nhưng nhiệm vụ quốc gia và nhiệm vụ quốc tế chúng tôi vẫn đặt lên trên hết. Hai vợ chồng cùng động viên nhau: Khi lớn và hiểu chuyện, con có lẽ sẽ tự hào về việc có cả bố và mẹ đều là người lính tham gia gìn giữ hòa bình. Còn bây giờ con phải chấp nhận ở với bà để bố mẹ lên đường.

Để làm được việc đó, bản thân chúng tôi cũng phải tự luyện tập "tinh thần" cho mình làm sao để xa con, đồng thời rèn luyện dần tính tự giác cho bé. Mới ba tuổi, nhưng bé Bún (tên thân mật ở nhà của con gái anh Thanh, chị Vân) mỗi sáng dậy, khi bà hoặc bố, mẹ đưa tới trường là tự xách balô vào lớp. Ít có một đứa trẻ nào cứ chưa tới 6 giờ 30 mỗi sáng đã đến lớp như con chúng tôi để đảm bảo cho việc 7 giờ kém hai vợ chồng đều phải có mặt để tham gia huấn luyện."

Tuy nhiên, rất may mắn là chị Vân cũng là bộ đội chính quy, được đào tạo tại Học viện Quân y, từ khi rời ghế nhà trường phổ thông đã làm quen ngay với môi trường quân đội nên khi tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lần này, chị đã xác định tinh thần từ sớm và sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ. "Tôi tin tưởng là vợ mình mạnh mẽ hơn nhiều phụ nữ khác."

Lên đường trong đợt chuyển quân lần thứ nhất của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 có hai đồng chí nữ gồm thiếu tá Bạch Thúy Hằng và đại úy chuyên nghiệp Cao Thị Thùy Dung.

Là điều dưỡng trưởng của Bệnh viện, chị Dung cho biết, tất cả cán bộ nhân viên bệnh viện và đặc biệt là các nữ quân nhân đều đã xác định rõ tư tưởng của mình, mang tâm thế sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tá Bạch Thúy Hằng, bác sỹ chuyên khoa ngoại, có hai cậu con trai, một cháu chuẩn bị vào lớp 10, một cháu đang học lớp 7. Cũng như bao bà mẹ khác, nỗi nhớ thương và lo lắng của chị Hằng dồn phần lớn cho các con: “Tôi mong mỏi các con cố gắng học hành. Bố mẹ già ở nhà giữ gìn sức khỏe. Các con chính là nguồn động viên, là động lực để tôi yên tâm hoàn thành công tác. Trước lúc lên đường, tôi cũng hơi lo lắng về con. Tuy nhiên các con đều hiểu được công việc và động viên ngược lại mẹ nên tôi cảm thấy an tâm hơn. Bố tôi là cựu chiến binh, ông động viên tôi rằng đây là nhiệm vụ vinh quang, cần rắn rỏi vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ,” chị Hằng chia sẻ.

Thiếu tá Hằng cho biết, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, bên cạnh việc trau dồi thêm về tiếng Anh với các chuyên gia Australia, chị được cử sang Bệnh viện Quân y 103 làm việc trong phòng mổ để huấn luyện 6 tháng về kỹ năng cơ bản phục cho bệnh viện. “Tôi khá tự tin, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của mình,” chị nói.

Xếp lại các vật dụng cá nhân, bác sỹ, trung úy Vũ Anh Đức “khoe” hành trang theo anh lên đường sang Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là lá cờ Tổ quốc và băng rôn cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam. “Đây là ngày quan trọng với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chúng tôi khi tạm biệt Việt Nam, sang Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Cũng là ngày quan trọng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam. Việt Nam chiến thắng!”

Anh Đức dự đoán Việt Nam sẽ chiến thắng Thái Lan với tỷ số 2-0 tại trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 hôm nay.

Đem lại uy tín quốc tế cho Việt Nam

Trung tá Võ Văn Hiển, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, khẳng định, tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, qua đó gia tăng uy tín, vai trò và hình ảnh của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại nước ngoài, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là một sứ giả hòa bình, văn hóa và quân sự, giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người, nhất là hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ đối với bạn bè quốc tế.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 luôn ý thức được trọng trách, nhiệm vụ được giao phó vừa là vinh dự, tự hào, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ.

Vì vậy, ngay từ khi bệnh viện được thành lập hơn hai năm trước đây cũng như trong quá trình huấn luyện tiền triển khai, tập thể bệnh viện luôn xác định rõ nhiệm vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ y tế, ngoại ngữ, kiến thức về việc gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đồng thời tích cực học tập các kỹ năng làm việc, kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt, kỹ năng ứng xử trong môi trường làm việc đa quốc gia, đa văn hóa.

Viet Nam tham gia gin giu hoa binh LHQ: Tu hao voi su menh mu noi xanh hinh anh 3Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chụp ảnh chung trước khi lên máy bay sang Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 

Chia sẻ tại lễ tiễn, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: “Tôi rất tự hào được có mặt tại đây ngày hôm nay để tiễn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam lên đường sang Nam Sudan. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là hình thức khó nhất trong các nhiệm vụ triển khai cấp đơn vị tại một phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Australia chúc mừng Việt Nam về những thành tựu xuất sắc trong đợt triển khai đầu tiên.”

Bà Robyn Mudie đánh giá, các cán bộ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam là những sĩ quan làm việc chuyên nghiệp, tận tụy, đã góp phần đem lại uy tín rất cao cho Việt Nam trong việc đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.

“Australia vinh dự được tham gia hỗ trợ huấn luyện và vận chuyển Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam. Đây cũng là sự thể hiện mối quan hệ quốc phòng phát triển và sự tin tưởng cao giữa Quân đội Australia và Quân đội nhân dân Việt Nam”, Đại sứ Robyn Mudie khẳng định.

Ngoài việc vận chuyển người và thiết bị cho bệnh viện dã chiến của Việt Nam sang Nam Sudan, từ năm 2011, Australia đã tham gia đào tạo ngoại ngữ và chuyên môn cho các cá nhân, đơn vị của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để đảm bảo các cán bộ đạt được yêu cầu khắt khe về trình độ ngoại ngữ và chuyên môn do Liên hợp quốc đề ra.

Việc đào tạo ngoại ngữ cho Thê đội 3 của Bệnh viện dã chiến cấp 2 cũng đã được tiến hành trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước.

Vào tháng 10/2018, Việt Nam lần đầu tiên cử một đơn vị là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Chính phủ Australia đã cử máy bay vận tải C17 nhằm hỗ trợ Việt Nam trong công tác vận chuyển.

Lần này, Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc thay quân, đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam sang Nam Sudan thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.

Chia sẻ tại lễ tiễn đợt 1 Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 về sự hợp tác, hỗ trợ ý nghĩa này, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam, nữ Đại tá Colonel Nerolie McDonald cho biết sau một năm thực hiện nhiệm vụ, Australia rất vui mừng khi tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. "Lý do mà chúng tôi tiếp tục giúp đỡ Việt Nam vì chúng tôi biết Việt Nam mong muốn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế và an ninh khu vực, cũng như trên thế giới, " - nữ Đại tá Colonel Nerolie McDonald nói.

Australia là quốc gia có nhiều kinh nghiệm với truyền thống lâu dài tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bên cạnh đó, Australia và Việt Nam có lịch sử về hợp tác quốc phòng trong 21 năm.

Ngoài ra, hai nước cũng có quan hệ ngoại giao tốt đẹp, năm 2018 mối quan hệ này đã được nâng cấp là Đối tác Chiến lược. Đánh giá về chuyên môn cũng như các kỹ năng của những sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam cho rằng những sỹ quan Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và cả những sỹ quan chuẩn bị đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ đều thể hiện khả năng chuyên nghiệp.

"Họ được huấn luyện kỹ càng và hiểu rõ nhiệm vụ của mình; đồng thời rất tuân thủ những quy định của Liên hợp quốc và các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Họ đã làm rất tốt và chắc chắn là sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai," đại tá Colonel Nerolie McDonald đánh giá./.

 

Nguồn: TTX/Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất