Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đánh giá cao những thành tựu của GICNT
trong việc tập hợp nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế đối phó với nguy cơ khủng
bố hạt nhân, đồng thời khẳng định ủng hộ mọi hoạt động được tiến hành trong
khuôn khổ GICNT của Nhóm Triển khai và Đánh giá (IAG) và các nhóm công tác trực
thuộc như Nhóm phát hiện hạt nhân, Nhóm Giám định hạt nhân, Nhóm ứng phó và giảm
thiểu.
Ngoài gia, đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc
(LHQ) trong cuộc chiến chống khủng bố, khẳng định vai trò trung tâm của Cơ quan
Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong các vấn đề liên quan đến an toàn hạt
nhân và hợp tác quốc tế về hạt nhân.
Đoàn Việt Nam nêu rõ sự cần thiết của việc trợ giúp kỹ thuật cho các nước
đang phát triển.
Đoàn cũng thông báo những nỗ lực và hoạt động gần đây của Việt Nam trong công
tác phòng chống khủng bố hạt nhân như phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định
An toàn hạt nhân, gia nhập Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, phê chuẩn
Nghị định thư sửa đổi về Công ước này và tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp
quốc gia về an ninh hạt nhân.
Được Nga và Mỹ khởi xướng từ tháng 7/2006 tại thành phố St. Petersburg, Nga,
GICNT ra đời nhằm khuyến khích các quốc gia hợp tác trong những vấn đề liên quan
đến hạt nhân đã được quy định trong các điều ước quốc tế về chống khủng bố hạt
nhân, nhất là Công ước bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân, Công ước chống khủng bố
hạt nhân và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hiện tại GICNT nhận được sự ủng hộ của 85 nước. Ngoài ra, còn có 4 tổ chức
quốc tế tham gia với tư cách quan sát viên là IAEA, Tổ chức Cảnh sát quốc tế
(Interpol), Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) và Liên
minh châu Âu (EU).
Việt Nam tham gia sáng kiến này từ tháng 4/2010./.
Theo TTXVN