Thứ Sáu, 18/1/2013 15:22'(GMT+7)
Việt Nam tham vấn chương trình phát triển sau 2015
(TG)-Tham vấn quốc gia là phương pháp giúp Liên hợp quốc tìm ra được giải
pháp tốt nhất nhằm vượt qua các thách thức phát triển mới để xây dựng
một thế giới sau năm sau 2015 - cuộc sống thịnh vượng, công bằng, tự do
và được trân trọng.
Ngày 18/1, thông tin từ Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, các cuộc tham vấn lấy ý kiến của đại diện các tầng lớp xã hội về chương trình phát triển sau năm 2015 của Việt Nam được thực hiện ở các địa phương trong cả nước từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013.
Những ý kiến trên được tập hợp để đưa vào báo cáo tổng kết, phản ánh những cơ hội và thách thức của Việt Nam đối với khung phát triển sau năm 2015.
Trong quá trình tham vấn, Liên hợp quốc có kế hoạch gặp gỡ với đại diện tám nhóm mục tiêu gồm các dân tộc thiểu số, người nghèo ở thành thị và nông thôn, người khuyết tật, người nhiễm HIV, thanh thiếu niên, người cao tuổi và khu vực tư nhân để lấy ý kiến của họ về thế giới mà họ mong muốn.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết Việt Nam là một nước đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) vì vậy, những ý kiến từ người dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng.
Tham vấn quốc gia là phương pháp giúp Liên hợp quốc tìm ra được giải pháp tốt nhất nhằm vượt qua các thách thức phát triển mới để xây dựng một thế giới sau năm sau 2015 - cuộc sống thịnh vượng, công bằng, tự do và được trân trọng.
Cũng theo bà Pratibha Mehta, báo cáo của Việt Nam sẽ được thảo luận tại hội thảo quốc gia trước khi gửi lên ban cố vấn cấp cao của Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào tháng 3/2013 và trình lên Tổng Thư ký vào quý 1, quý 2/2013. Sau đó, nội dung này sẽ được gửi tới các nước thành viên Liên hợp quốc tại phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 9/2013.
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh Việt Nam cam kết hoàn thành các MDG, đặc biệt chú trọng xây dựng các chính sách, huy động, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển con người, xã hội, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu MDG như giảm được một nửa tỷ lệ nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và phổ cập giáo dục tiểu học.
Việt Nam cũng có khả năng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe bà mẹ. Những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế công nhận.
Từ một nước nghèo, đang phát triển, Việt Nam đã tiến lên thành nước có thu nhập trung bình và sẽ tiếp tục tập trung để vượt qua những khó khăn, hoàn thành tất cả các MDG đồng thời giữ vững được những thành tựu đã đạt được./.
HĐ