Theo Báo cáo Chỉ số Hạnh phúc của Mastercard, công bố ngày 7/4, Việt Nam đang xếp thứ 4 châu Á – Thái Bình Dương với 71,4 điểm, đứng sau là Ấn Độ (75 điểm), Philippines (73 điểm) và Indonesia (71,4 điểm).
Báo cáo cho biết, thứ hạng có được của Việt Nam nhờ vào sự hài lòng về công việc và tài chính rất cao của người dân (81,5 điểm – cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương), tiếp đến là sự thỏa mãn cuộc sống (72,7 điểm) và hạnh phúc cá nhân (72 điểm).
Tuy nhiên qua khảo sát, người dân Việt Nam đang khá lo ngại về sự an toàn trong cuộc sống và chỉ đạt 59,4 điểm tại hạng mục này.
Nghiên cứu của Mastercardcho thấy rằng, mặc dù năm 2016 đầy biến động về chính trị và xã hội, nhưng người dân châu Á – Thái Bình Dương vẫn lạc quan với cuộc sống (62,1 điểm), riêng tại các quốc gia đang phát triển (65,5 điểm), dẫn đầu là Ấn Độ, Philippines và Indonesia có khả năng thích nghi và hài lòng về cuộc sống hơn người dân tại những quốc gia phát triển (56,7 điểm).
Khoảng 9.123 người thuộc các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương được khảo sát trong nghiên cứu này, họ được đánh giá mức độ hài lòng cuộc sống thông qua bốn hạng mục (Công việc và Tài chính, Sự an toàn từ những đe dọa, Sự thỏa mãn cuộc sống và Hạnh phúc cá nhân).
Dẫn đầu khu vực là Ấn Độ với điểm số hạnh phúc tổng thể đạt 75 điểm, đây là quốc gia duy nhất đạt mức độ lạc quan như vậy trong lịch sử các đợt khảo sát đã thực hiện. Sự lạc quan của Ấn Độ có thể được thúc đẩy bởi tâm lý phấn khởi về tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự ổn định về kinh tế vĩ mô, cũng như khả năng đương đầu tốt với những thách thức và căng thẳng của người dân.
Những quốc gia lạc quan khác bao gồm Philippines đứng ở vị trí thứ 2 (73 điểm) và Indonesia xếp thứ 3 (71,4 điểm).
Ngược lại, các quốc gia phát triển của châu Á lại quanh mức điểm số trung lập, vì sự cố hữu lâu đời với văn hóa làm việc ngoài giờ và mức độ căng thẳng trong công việc rất cao, như Nhật Bản (50,4 điểm) và Hàn Quốc (52,1 điểm) xếp thấp nhất về điểm số hạnh phúc tổng thể, điều này được phản ánh qua tâm lý chán chường về hạnh phúc cá nhân do những áp lực về công việc, gia đình, tài chính và sức khỏe của người dân.
Nghiên cứu cũng cho thấy, cuộc sống không căng thẳng với sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc.
Nhìn chung, trong bốn yếu tố, người dân trong khu vực cảm thấy hài lòng nhất với cuộc sống cá nhân và công việc (65,5 điểm), sự phản hồi tốt đến từ các quốc gia đang phát triển như Ấn độ (83 điểm), Philippines (78,2 điểm), Myanmar (75,4 điểm), Việt Nam (72,7 điểm), Trung Quốc (71,3 điểm), Indonesia (71,1 điểm) và Thái Lan (70,2 điểm).
Ông Georgette Tan, Phó Chủ tịch cấp cao, bộ phận Truyền thông, khu vực châu Á –Thái Bình Dương, Mastercard cho rằng, “những kết quả từ nghiên cứu này cho thấy sự hài lòng về cuộc sống của người dân được định hình bởi những thực tế trong cuộc sống hàng ngày của họ, cũng như tình hình chính trị, kinh tế và xã hội.
Ngoài ra, những cơ hội tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có thể đem lại sự lạc quan và hy vọng cho tương lai, như tại những quốc gia đang phát triển Ấn độ, Trung Quốc và Indonesia - điểm số hạnh phúc tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP./.
Theo VN+