Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/10/2012 13:49'(GMT+7)

"Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực trong Liên hợp quốc"

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 
- Bà có nhận định gì về những tiến bộ trong mối quan hệ hợp tác Liên hợp quốc - Việt Nam trong hơn ba thập kỷ vừa qua, thưa bà?

Bà Pratibha Mehta: Liên hợp quốc đã có một thời gian dài và đang tiếp tục giữ vai trò là một đối tác chiến lược trong quá trình phát triển của Việt Nam, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977.

Những năm tháng Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc tái thiết sau chiến tranh, các cơ quan của Liên hợp quốc đã có mặt để hỗ trợ kịp thời. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn “đổi mới”, Liên hợp quốc đã mở ra một cánh cửa kết nối Việt Nam với những kiến thức, kinh nghiệm và trợ giúp kỹ thuật của quốc tế, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được những tiến bộ trong phát triển, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân. Những năm gần đây, Liên hợp quốc tại Việt Nam ngày càng chú trọng hơn đến công tác cố vấn chính sách, giúp Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu và thực hiện cam kết đối với các thỏa ước quốc tế, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam đang tiếp tục đóng một vai trò rất tích cực trong Liên hợp quốc. Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan cũng như Tổng Thư ký Liên hợp quốc đương nhiệm Ban Ki-moon đều đã đến thăm Việt Nam. Việt Nam cũng đã hoàn thành sứ mệnh ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và đã đưa ra một số đề xuất mới về cách thức hoạt động của Hội đồng Bảo an. Trong công cuộc cải cách hệ thống Liên hợp quốc, trong đó có hệ thống phát triển Liên hợp quốc, Việt Nam cũng đóng một vai trò chủ chốt.

Được lựa chọn là một trong tám quốc gia thí điểm trong năm 2006, Việt Nam là một ví dụ điển hình về sáng kiến cải cách “Thống nhất Hành động”. Sáng kiến này nhằm làm cho toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, qua đó giúp Liên hợp quốc đem lại những kết quả phát triển tốt hơn cho người dân Việt Nam. Thành công của sáng kiến này phần lớn là nhờ những cam kết và sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.

Đầu năm nay, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký kết kế hoạch chung cho giai đoạn 2012-2016, trong đó đề ra ba lĩnh vực chủ chốt mà Liên hợp quốc sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong 5 năm tới (tăng trưởng bền vững, bình đẳng; các dịch vụ thiết yếu và công tác bảo trợ xã hội; quản lý Nhà nước).

- Bà có nhận xét gì về việc Việt Nam đã hoàn thành vượt kế hoạch nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và Việt Nam nên tập trung vào những vấn đề gì để hoàn thành các mục tiêu còn lại?

Bà Pratibha Mehta: Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Thành công này đã được cộng đồng quốc tế công nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu năm 2010 về các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới xét về cả tiến bộ tuyệt đối và tiến bộ tương đối. Những tiến bộ quan trọng trong các lĩnh vực như giảm nghèo, giáo dục, bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Việt Nam cũng đã được ghi nhận. Việt Nam đã nỗ lực giảm một nửa tỷ lệ nghèo (từ hơn 58% năm 1993 xuống còn gần 29% năm 2002) và sau đó là hơn 12% năm 2008. Trong vòng 16 năm (1990-2006), tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi cũng đã giảm một nửa. Đây là những thành quả rất ấn tượng.

Tuy nhiên, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu về HIV/AIDS và môi trường. Ưu tiên ngân sách cho hoạt động phòng chống HIV ở những nhóm dân cư chính sẽ góp phần đảm bảm tính hiệu quả của chương trình phòng chống HIV quốc gia. Để đảm bảo hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam cần thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy sự bình đẳng, tăng trưởng bền vững ở các địa phương, các thành phần xã hội, trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Những cải cách có hiệu quả trong đầu tư công và các doanh nghiệp quốc doanh có thể giúp tăng cường khả năng sử dụng tài chính linh hoạt của Chính phủ. Nghị quyết 80 của Chính phủ và chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (với mục tiêu giảm 4% tỷ lệ nghèo ở các xã và huyện miền núi, dân tộc thiểu số) là những bước đi đúng hướng.

- Nhìn về phía trước, chúng ta có thể thấy những gì sau khi hết thời hạn thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hiện nay?

Bà Pratibha Mehta: Kể từ khi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đề ra vào năm 2000 với thời hạn thực hiện là năm 2015, các mục tiêu này đã giúp đề ra các ưu tiên phát triển của toàn cầu và của mỗi nước, đồng thời thúc đẩy hành động có cân nhắc yếu tố thời gian.

Mặc dù vẫn còn ba năm nữa mới tới thời hạn đã đề ra nhưng những thảo luận về mục tiêu phát triển toàn cầu từ sau năm 2015 đã bắt đầu được triển khai. Nhân dân các dân tộc trên thế giới đang trông đợi ở Liên hợp quốc để có những hành động cụ thể từ sau năm 2015 nhằm tiến tới một thế giới thịnh vượng, công bằng, tự do, hòa bình và tôn trọng phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau.

Lần đầu tiên, Liên hợp quốc đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý cởi mở dành cho mọi thành phần xã hội để lắng nghe ý kiến người dân thuộc các nhóm thu nhập, giới và độ tuổi khác nhau. Việt Nam là một trong số 50 quốc gia trên thế giới được lựa chọn để thực hiện các cuộc trưng cầu dân ý trên diện rộng về các mục tiêu phát triển toàn cầu mới. Đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam nhìn nhận về những tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, cũng như những việc cần làm cả ở trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo tất cả mọi người ở mọi làng quê và thành phố đều được hưởng một cuộc sống thịnh vượng./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất