Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 24/3/2016 9:14'(GMT+7)

Việt Nam-Trung Quốc lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương

Theo đánh giá của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh, Trưởng SOM Hợp tác Mekong-Lan Thương của Việt Nam, đây là một dấu mốc có ý nghĩa hết sức to lớn đối với hợp tác Mekong-Lan Thương nói riêng và hợp tác tại tiểu vùng sông Mekong nói chung.

Sau khi kết thúc hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh đã có buổi trả lời phỏng vấn báo chí. Xin giới thiệu nội dung của cuộc phỏng vấn:

- Xin Trợ lý Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Hội nghị cấp cao lần này?

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh: Hợp tác Mekong-Lan Thương là cơ chế hợp tác giữa 6 quốc gia ven sông Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, hợp tác và liên kết đa tầng nấc giữa các nền kinh tế trong khu vực ngày một hài hòa và chặt chẽ. Hợp tác Mekong-Lan Thương cũng nằm trong xu thế phát triển đó.

Sự ra đời của hợp tác Mekong-Lan Thương khẳng định cam kết của 6 nước ven sông Mekong cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong và khu vực.

Đây là lần đầu tiên 6 nước ven sông Mekong đạt được nhất trí về ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Hợp tác Mekong-Lan Thương có tiềm năng đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội tại tiểu vùng, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Năm 2016 đánh dấu dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược ASEAN​-Trung Quốc.

Hợp tác Mekong-Lan Thương không chỉ thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, mà còn đóng góp tích cực cho hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

- Xin Trợ lý Bộ trưởng chia sẻ về kết quả của Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần này?

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh: Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất được tổ chức với chủ đề “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong-Lan Thương.”

Lãnh đạo 6 nước đã thống nhất các nguyên tắc chính của hợp tác Mekong-Lan Thương là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Về phương hướng hợp tác thời gian tới, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và phát triển bền vững cùng văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân.

Trong thời gian trước mắt, hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên chính là quản lý tài nguyên nước, kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Tam Á, là văn kiện quan trọng, mang tính định hướng lâu dài cho hợp tác Mekong-Lan Thương.

Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất, Danh sách dự án thu hoạch sớm và ghi nhận Danh mục các dự án hợp tác sẽ nghiên cứu triển khai trong tương lai.

Các nhà Lãnh đạo Mekong-Lan Thương đã đề ra nhiều biện pháp để tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, trong đó có: Tăng cường trao đổi đoàn, đối thoại hợp tác nhằm tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau; Tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; Thúc đẩy liên kết “cứng” và “mềm”; Ứng phó với các thách thức do biến đổi khí hậu, hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước; và các biện pháp khác.

- Xin Trợ lý Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật gì tại Hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương?

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh: Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của hợp tác Mekong-Lan Thương đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mekong, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hình thành cơ chế hợp tác này.

Trước Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất, Việt Nam đã tham dự và có đóng góp quan trọng tại các hội nghị cấp bộ trưởng và SOM.

Những đóng góp của Việt Nam về nguyên tắc, cơ chế hợp tác, lĩnh vực trọng tâm, trong đó có các đề xuất về hợp tác nguồn nước và kết nối kinh tế, đã được các nước ủng hộ và khẳng định trong Tuyên bố Tam Á và các văn kiện liên quan của hợp tác Mekong-Lan Thương.

Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đã đề xuất 3 dự án trong Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong-Lan Thương.

Cả 3 dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.

Tại Hội nghị cấp cao lần này, Việt Nam nhất trí phối hợp với Trung Quốc xây dựng dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó Việt Nam sẵn sàng đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.

- Xin cảm ơn Trợ lý Bộ trưởng! 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất