Trong những ngày vừa qua, Ủy ban các vấn đề pháp lý
quốc tế (Ủy ban 6) Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 79 tổ chức
phiên thảo luận toàn thể về đề mục thúc đẩy pháp quyền ở các cấp độ
quốc gia và quốc tế, với sự tham gia đông đảo của đại diện các nước
thành viên LHQ và quan sát viên.
Phát biểu tại phiên họp,
Chủ tịch ĐHĐ LHQ Khóa 79 Philemon Yang, Phó Tổng thư ký LHQ Amina
J. Mohammed và đại diện nhiều nước nhấn mạnh mối liên hệ mật
thiết giữa củng cố pháp quyền với ổn định và phát triển; khẳng
định việc xây dựng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, bao trùm
cũng như sự vận hành hiệu quả của các cơ quan tư pháp đóng vai
trò thiết yếu trong việc bảo đảm quyền con người trong đó có quyền
tiếp cận tư pháp, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, phòng ngừa
xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các
nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, qua đó tạo
tiền đề thúc đẩy thực hiện đầy đủ các Mục tiêu Phát triển bền
vững như tầm nhìn trong Văn kiện Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai
được lãnh đạo cấp cao các nước thông qua tháng 9 vừa qua.
Bên
cạnh những thành tựu đạt được trong phát triển luật pháp quốc
tế và củng cố pháp quyền ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế,
nhiều nước bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng leo thang nhiều xung
đột và điểm nóng trên thế giới, đặt ra nhiều thách thức mà cộng
đồng quốc tế cần tiếp tục giải quyết.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cho rằng trách nhiệm thúc
đẩy và duy trì pháp quyền ở mọi cấp độ cần phải được tất cả các quốc
gia thành viên LHQ chung tay gánh vác; đây là chìa khóa để xây dựng
lòng tin, tăng cường cam kết và củng cố chủ nghĩa đa phương.
Là
một quốc gia luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và
Hiến chương LHQ, Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực gần đây của công
đồng quốc tế trong việc thúc đẩy pháp quyền nhằm ứng phó với những
thách thức mới nổi trên phạm vi toàn cầu, trong đó có việc xây
dựng các công ước quốc tế mới về tội phạm mạng, hợp tác thuế quốc
tế và nhiều vấn đề quan trọng khác đối với đời sống quốc
tế; khẳng định Việt Nam đã tích cực tham gia vào các tiến
trình này và đạt nhiều kết quả trong hoàn hiện pháp luật và
hệ thống tư pháp trong nước.
Với vai trò là nước đồng sáng lập Nhóm bạn bè UNCLOS (Công ước LHQ
về Luật Biển năm 1982), Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết Việt Nam đang
cùng các nước tích cực kỷ niệm 30 năm ngày Công ước có hiệu lực, nhấn
mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tính phổ quát, thống nhất và toàn
vẹn của UNCLOS trong quản trị biển và đại dương toàn cầu.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu rõ Việt Nam kiên quyết duy trì lập
trường nguyên tắc mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp
hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Xuất phát từ lập
trường nêu trên, Việt Nam bày tỏ quan ngại trước các diễn biến gần đây ở
Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện đầy đủ các
nghĩa vụ theo UNCLOS, tôn trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên
ở Biển Đông (DOC), thực hiện kiềm chế, giải quyết hòa bình
các tranh chấp và tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ DOC và tiếp tục cùng các
nước tích cực thảo luận nhằm sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử
ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp
quốc tế trong đó có UNCLOS.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam
khẳng định tiếp nối quá trình tham gia tích cực vào các diễn
đàn pháp lý quốc tế thời gian qua, Việt Nam đã lần đầu tiên đề cử
Tiến sĩ Nguyễn Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông ứng cử vào Tòa
án Luật Biển quốc tế (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035 với mong muốn tiếp
tục đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực củng cố pháp
quyền trên phạm vi toàn cầu.
Trên tinh thần coi trọng tính đại diện bình đẳng về địa lý và
sự tham gia bao trùm, bình đẳng về giới tại các cơ chế đa phương
và các cơ quan pháp lý quốc tế, Việt Nam kêu gọi các quốc gia thành
viên và các cơ quan của LHQ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ
trợ xây dựng năng lực nhằm trao quyền cho phụ nữ từ tất cả các khu
vực, đặc biệt là phụ nữ từ các nước đang phát triển, tạo cơ hội cho họ
đóng góp đáng kể hơn nữa vào lĩnh vực luật pháp quốc tế.
Ủy ban các vấn đề pháp lý quốc tế (Ủy ban 6) là một trong 6 ủy ban
chính của ĐHĐ LHQ, gồm đại diện của tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ,
có chức năng xem xét, thảo luận và góp phần thúc đẩy phát triển tiến bộ
luật pháp quốc tế.
Ủy ban 6 dự kiến thảo luận gần 30 đề mục, trong đó có
các chủ đề đáng chú ý như hoạt động của Ủy ban luật pháp quốc tế, các
biện pháp loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, ngăn ngừa tội ác chống
nhân loại… Thúc đẩy pháp quyền ở các cấp độ quốc gia và quốc tế là một
trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu tại Ủy ban 6 hàng năm (năm nay
có gần 100 bài phát biểu), là diễn đàn để các nước thành viên LHQ nêu
nhiều vấn đề pháp lý quốc tế rộng rãi, mang tính thời sự cao./.
TTXVN