Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 27/5/2014 21:55'(GMT+7)

Việt Nam và Pháp chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch đô thị

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TH)

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TH)

Từ ngày 27 đến 28/5, Bộ Xây dựng  phối hợp Hiệp hội phi lợi nhuận quảng bá và giới thiệu chuyên môn Pháp IDEFIE tổ chức hội thảo “Gặp gỡ, Quy hoạch đô thị Hà Nội”. Tham dự hội thảo là các nhà chuyên môn về lĩnh vực đô thị của Việt Nam và Pháp để gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Việt Chiến, Tổng Giám đốc, Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, trong những năm qua, sau gần 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới, đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới đô thị quốc gia đã và đang được phát triển với khoảng 770 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33%, dự báo sẽ đạt khoảng 45% trong 10 năm tới.

Khu vực đô thị hóa hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP của Việt Nam. Nhiều khu vực đô thị đã được xây dựng khang trang, đồng bộ, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển như: Quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, qản lý đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch chưa chặt chẽ, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội triển khai thiếu đồng bộ, môi trường đô thị còn nhiều bức xúc; hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp,  ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị; tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra tại các đô thị…

Về định hướng phát triển, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng. Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm với hạt nhân là các đô thị trung tâm, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các cùng khác. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện các định hướng phát triển vùng đi liền với việc sử dụng đất có hiệu quả và tiết kiệm, gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhất là nước biển dâng nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, một số thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển.

Trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu phát triển, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Xây dựng, Luật Nhà, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị… Để quản lý đầu tư phát triển đô thị ngày càng hiệu quả hơn, Bộ Xây dựng đã và đang tăng cường xây dựng các văn bản pháp luật đồng bộ, có chất lượng hơn để kiểm soát phát triển theo từng khu vực đô thị, có kế hoạch phát triển và bộ máy quản lý thích hợp.

Trong quá trình hội nhập sâu rộng, Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại, nhiều mô hình phát triển đô thị mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, đi tắt đón đầu, áp dụng các khoa học tiên tiến cho đô thị của Việt Nam.

Cộng hòa Pháp là đất nước có công tác quy hoạch, kiến trúc có nhiều gắn bó với điều kiện Việt Nam. Điều này đã được kiểm chứng qua thời gian với sự hiện diện của rất nhiều quy hoạch đô thị, khu phố, không gian công cộng, công trình kiến trúc tiêu biểu có giá trị lịch sử trong cả nước như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Lạt, Sapa… Gần đây, nước Pháp cũng đã có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2050, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lập Quy hoạch vùng Thủ đô.  Các cơ quan nghiên cứu tư vấn, quy hoạch, xây dựng của Pháp đã tham gia trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam với nhiều hình thức phong phú.

Tại Hội thảo, các nhà chuyên môn hai nước đã cùng nhau bàn thảo về các nội dung như phương thức làm việc với các nhà tài trợ quốc tế trong quá trình xây dựng, phát triển các dự án tại Việt Nam. Cách thức tổ chức quy hoạch, phát triển đô thị, thành phố xanh, thành phố thông minh; Mạng lưới hạ tầng đô thị: Giao thông, quan hệ đối tác công tư trong lĩnh vực nước, thu gom rác thải, tác động của cấu trúc các đô thị Việt Nam cũng như trên sự thành lập và quản lý các mạng lưới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, sẽ có hai Hội thảo về Kiến trúc, xây dựng và quy hoạch đô thị và Mạng lưới hạ tầng đô thị.

Hội thảo Kiến trúc, xây dựng và quy hoạch đô thị xoay quanh nội dung làm thế nào tổ chức quy hoạch đô thị và lãnh thổ. Xây dựng khung chiến lược cấp nhà nước và cấp địa phương. Kiểm soát việc phát triển thành thị. Quy hoạch đô thị và xây dựng mới; Quy định về phát triển đô thị - Luật hóa đầu tư và thị trường bất động sản để có một thị trường lành mạnh. Quy hoạch đô thị và các bản quy hoạch phát triển chung, những điều chỉnh của bản quy hoạch vùng thủ đô. Đô thị xanh, thành phố thông minh và bền vững tích hợp với các yếu tố nông nghiệp, khí hậu, năng lượng, giao thông, phát triển kinh tế và chất lượng nhà ở, cuộc sống, sức khỏe con người.

Hội thảo về Mạng lưới hạ tầng đô thị xoay quanh nội dung ảnh hưởng của cấu trúc đô thị Việt Nam tới việc hình thành và quản lý hệ thống hạ tầng đô thị. Tăng cường sự hiểu biết về phương thức thức quản lý và hiện trạng phát triển của các dịch vụ đô thị có xét đến các đặc trưng phát triển không gian của đô thị Việt Nam. Chỉ ra sự cần thiết phải nâng cấp và đầu tư cho các dịch vụ cơ bản trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam.

Vấn đề về chống biến đổi khí hậu, đô thị hóa trong các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng, các yếu tố nâng cao sự thích ứng của đô thị cũng như cảnh quan đô thị. Quản lý mưa bão, sóng và biển với quan điểm phát triển bền vững. Làm sao để người dân thích ứng các dịch vụ đô thị: sự hình thành của các cư dân trôi nổi trong các đô thị lớn ở Việt Nam. Quản lý và bảo trì hệ thống giao thông công cộng, cấp thoát nước đa phương thức. Xác định và thực thi mô hình tài chính cho một cơ quan quản lý nhà nước về giao thông lĩnh vực vận tải của nhà nước. Mối quan hệ của cơ sở hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị.

Có thể khẳng định, Hội thảo là một hành động cụ thể, với những đổi mới trong phương thức tổ chức sẽ là một diễn đàn mở để các kiến trúc sư, nhà quy hoạch, kỹ sư xây dựng và các chuyên gia đầu ngành của phía Pháp và phía Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, từng bước góp phần xây dựng nền tảng để đẩy mạnh sự hợp tác trong xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất