Chủ Nhật, 10/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 26/12/2019 8:55'(GMT+7)

Việt Nam vươn lên thứ 22 toàn cầu về quy mô xuất khẩu

Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao.

Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh điều này khi đề cập kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa thời gian qua. “Đóng góp vào những kết quả chung của nền kinh tế, chắc chắn có nguyên nhân từ chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam, qua đó, đã tạo lập, mở rộng không gian thị trường quốc tế rộng lớn cho doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng nói.

Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD

vào giữa tháng 12 năm nay. Bộ trưởng nhấn mạnh, thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới đang sụt giảm do tác động của các xung đột thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Thành tích này cũng đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay (xuất siêu khoảng 9,9 tỷ USD).

Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta giữ được vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới như: Dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 33 tỉ USD), da giày (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 17 tỷ USD), điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới với kim ngạch vào khoảng khoảng 50 tỷ USD), thủy sản (đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 9 tỷ USD), đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 9 tỷ USD) và một số mặt hàng nông sản khác ta luôn đứng ở trong nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới như cà phê, hồ tiêu, gạo…

Cùng với đó, thị trường trong nước luôn giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP.

Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu theo Công ty tư vấn A.T Kearney). Đáng mừng là các thương hiệu bán lẻ của doanh nghiệp trong nước cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ với một số thương hiệu lớn có tốc độ phát rất nhanh.

“Nhìn lại quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta có thể nhận thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các cơ hội có được từ các FTAs và các khung khổ hợp tác khu vực và đa phương khác”, Bộ trưởng khẳng định. Các thị trường có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA như Hàn Quốc (tăng 21,6 lần), Ấn Độ (tăng 15,6 lần), Chile (tăng 3,6 lần).

Đáng ghi nhận, những năm gần đây, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước cao hơn tốc độ tăng của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó đưa tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu tiếp tục tăng (chiếm trên 30%).

Một vấn đề khác là cho đến nay, hàng xuất khẩu của ta đã phải đối mặt với hơn 150 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với sự tập trung vào các vấn đề về chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp… Theo Bộ trưởng, đây không phải là vấn đề mới, nhưng là vấn đề khó và đang trở thành những rào cản xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta đã có sự chủ động, tích cực phối hợp với các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vấn đề này.

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực trong các vụ việc trên, cụ thể là  kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 42%.

Đồng thời, đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm... tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp. Phía Việt Nam cũng khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực).

Xây dựng thể chế phù hợp hơn triết lý “mở” của hội nhập

Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định một số vấn đề cần tiếp tục tập trung xử lý để hỗ trợ hiệu quả công tác phát triển thị trường bền vững cho các doanh nghiệp.

Một là, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTAs, đặc biệt là CPTPP và EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường

Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động truyên truyền phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA vừa có hiệu lực thực thi như CPTPP.

“Theo đó, tiếp tục đồng bộ hóa khung khổ pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng đưa toàn bộ hệ thống pháp luật kinh tế của ta ngày càng phù hợp hơn với triết lý "mở" của hội nhập, từ đó đem lại tác động cùng chiều và giúp các doanh nghiệp gia tăng năng lực để nắm bắt các cơ hội do hội nhập đem lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), như tổ chức thực hiện và theo dõi triển khai việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua Internet.

Hai là, xử lý tốt các vấn đề về phòng vệ thương mại, các vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong hoạt động thương mại, đặc biệt là các quy định và tiêu chuẩn về môi trường, biến đổi khí hậu, lao động và xã hội đối với hàng xuất khẩu của ta. Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Ba là, đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ tiếp cận thị trường ngoài nước, phát triển thị trường trong nước cho các doanh nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, giảm tỷ trọng của các hoạt động chỉ có tác dụng nhất thời như hội chợ, triển lãm; chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.

Bộ cũng hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với thương hiệu các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia; ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam; hỗ trợ phát triển các thị trường ngách đối với một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao sang các thị trường tiềm năng.

Triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nông dân để tiêu thụ hàng hóa qua các hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa thành công các cơ hội cũng như vượt qua được thách thức, sức ép từ hội nhập thì vấn đề cấp bách đặt ra là chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Phát triển thị trường bền vững cho các doanh nghiệp là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và từ chính các doanh nghiệp. Với nhiệm vụ được Chính phủ giao, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong cách thức thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng khẳng định./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất