Theo bà Kireeva, chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý
nghĩa vô cùng quan trọng, cho phép triển khai toàn diện những thỏa thuận
hai bên đã đạt được cho đến nay.
Bà Kireeva cho rằng các nhà lãnh đạo Nga và Việt Nam cần tăng cường hợp
tác trong các vấn đề quốc tế mà hai nước cùng quan tâm. Bên cạnh đó, Nga
cần tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam nhằm tận dụng tối đa tiềm
năng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước từ năm 2001.
Phó giáo sư Kireeva bày tỏ mong muốn trong chuyến thăm này của Chủ tịch
nước Trần Đại Quang, Nga và Việt Nam có thể cụ thể hóa các thỏa thuận
kinh tế-thương mại; tổng kết được những kết quả đầu tiên của Thỏa thuận
thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU)
sau khi thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 10/2016 và thảo luận các biện
pháp tạo ra nguồn tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng mới để đa dạng
hóa thương mại của hai nước.
Kể từ đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Moskva và Hà Nội
đã tăng 25% sau khi đạt gần 4 tỷ USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, hai
nước còn phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt được mục tiêu 10 tỷ USD.
Bà Kireeva cho rằng Nga cần phải đa dạng hóa cơ cấu thương mại, đặc biệt
trong những lĩnh vực Nga và Việt Nam có tiềm năng lớn như năng lượng và
nông nghiệp. Hiện Nga rất quan tâm đến nhập khẩu rau quả, hải sản từ
Việt Nam, trong khi có thể xuất khẩu sản phẩm thịt, sữa sang Việt Nam.
Đây là thời điểm Nga và Việt Nam tận dụng những ưu thế từ FTA. Theo đó,
lần đầu tiên trong lịch sử, doanh nghiệp TH Truemilk của Việt Nam đã đầu
tư vào khu công nghiệp sữa ở tỉnh Kaluga của Nga và toàn bộ sản phẩm
của khu công nghiệp này sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam.
Trong công nghiệp, Nga và Việt Nam có thể thành lập những liên doanh tại
cả hai nước trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, điện tử và chế tạo máy.
Theo đó, Nga có thể hợp tác với Việt Nam tất cả các khâu liên quan đến
chế tạo ôtô tải, tiến tới lập các doanh nghiệp lắp ráp chung. Bên cạnh
đó, hai nước còn có thể hợp tác trong lĩnh vực thông tin viễn thông và
công nghệ cao vốn có nhiều tiềm năng chưa được khai phá.
Cũng theo phó giáo sư Kireeva, hợp tác đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng
đối với cả hai nước. Năm 2016, Nga và Việt Nam đã thành lập Quỹ Đầu tư
Nga-Việt dành cho các dự án thương mại song phương giữa Quỹ đầu tư trực
tiếp của Nga (RFPI) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước
của Việt Nam (SCIC) với tổng số vốn 500 triệu USD. Bà Kireeva hy vọng
hai bên sẽ đưa ra được các dự án cụ thể trong chuyến thăm của Chủ tịch
nước Trần Đại Quang.
Về chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Vladimir Putin, phó
giáo sư Kireeva cho rằng khu vực Đông Nam Á có ý nghĩa chiến lược và là
một trong những khu vực then chốt trong chính sách của Nga.
Theo bà, định hướng ưu tiên tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng
là định hướng chiến lược mang tính dài hạn và gắn với nhiều mục tiêu
của Nga. Dù rất chú trọng đa phương hóa chính sách đối ngoại thông qua
xây dựng quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước Đông Á, song Nga cần tăng
cường hiện diện kinh tế tại Đông Á để có thể mang lại nhiều lợi ích hơn
trong khu vực. Nga đang tích cực củng cố quan hệ xây dựng với nhiều nước
Đông Á, trong đó Việt Nam - đối tác chiến lược của Nga và là đối tác
lớn nhất của Nga tại Đông Nam Á. FTA giữa Việt Nam và EAEU chính là bước
đi đầu tiên để Nga tham gia vào quá trình hội nhập tại Đông Á.
Bên cạnh đó, Nga mong muốn xây dựng một cơ chế an ninh tập thể tại Đông Á
nhằm đảm bảo an ninh cho các nước trong khu vực thông qua một cơ chế
phối hợp hành động, trong đó quan trọng hàng đầu với Nga là Hiệp hội Các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngoài ra, phó giáo sư Kireeva cho rằng hợp tác giữa các khu vực của hai nước cũng là lĩnh vực hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Nga Yuri
Petrovich Trutnev đã hội đàm với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các dự
án hợp tác, đầu tư cụ thể tại vùng Viễn Đông. Đây là khu vực được Chính
phủ Nga chủ trương ưu tiên phát triển và Tổng thống Putin đã tuyên bố
đây là mục tiêu then chốt trong chính sách của Nga cho thế kỷ 21.
Phó giáo sư Kireeva đánh giá Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng
trong chính sách Xoay trục sang châu Á của Nga. Nga chú trọng hợp tác
với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh, và coi đây là nhân tố ổn định cho
khu vực. Qua chính sách này, Nga muốn gia tăng sự hiện diện của mình tại
Đông Á, tìm kiếm động lực để phát triển và đóng góp cho sự phát triển
và nền an ninh của khu vực./.
Theo TTXVN