Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 17/3/2009 17:52'(GMT+7)

Vietnam Airlines đề nghị phía Italia xét xử vụ kiện công bằng, khách quan

Ngày 2/4 tới, sẽ là phiên xem xét cuối cùng tại Tòa Sơ thẩm Roma để xem xét đơn đặc biệt của Tổng công ty Hàng không Việt Nam yêu cầu hủy bản án của Tòa án Sơ thẩm Roma năm 2000.

Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Minh khẳng định, trong vụ kiện này, Vietnam Airlines đã bị lợi dụng và chịu một bản án bất công, phi lý. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm kiến nghị các cơ quan tư pháp của Italia tiến hành xem xét và làm rõ bản chất của vụ kiện khi có sự dàn xếp và tạo dựng chứng cứ giả với mục đích trục lợi giữa nguyên đơn với luật sư của Công ty Falcomar, lợi dụng việc Tổng Công ty Hàng không vắng mặt tại phiên toà.

Diễn biến vụ kiện phi lý

Vụ kiện được ông Maurizio Liberati khởi xướng cách đây hơn 15 năm, sau khi Vietnam Airlines ký Hợp đồng đại lý bán vé máy bay với Công ty Falcomar, do ông De Montis làm Giám đốc. Hợp đồng quy định rõ Công ty Falcomar chỉ có quyền bán vé và Vietnam Airlines sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ hợp đồng/thỏa thuận nào khác do Công ty Falcomar ký kết với bên thứ ba.

Tháng 11/1994, Vietnam Airlines nhận được giấy triệu tập của Tòa sơ thẩm Roma kèm theo bản dịch Đơn kiện của ông Maurizio Liberati yêu cầu Vietnam Airlines phải có mặt tại Tòa ngày 30/11/1995. Theo đơn kiện, ông Maurizio Liberati (nguyên đơn) yêu cầu Tòa án buộc Công ty Falcomar và Vietnam Airlines (các bị đơn) phải bồi thường cho ông Maurizio Liberati tiền công cho các công việc ông ta đã thực hiện cho Vietnam Airlines và Công ty Falcomar không ít hơn 537.910.000 Lia Italia.

Trên thực tế, Vietnam Airlines không thuê hoặc yêu cầu ông Maurizio Liberati làm bất cứ công việc gì, giữa hai bên cũng không có bất cứ thỏa thuận/hợp đồng hoặc văn bản ủy quyền nào mà dựa vào đó ông ta thực hiện công việc nhân danh Vietnam Airlines. Như vậy, việc ông Maurizio Liberati đưa Vietnam Airlines vào quá trình tố tụng là không có cơ sở. Do đó, Vietnam Airlines đã không có mặt tại phiên Tòa sơ thẩm Roma ngày 30/11/2005.

Sau lần duy nhất nhận được giấy triệu tập của Tòa sơ thẩm Roma vào năm 1994, Vietnam Airlines không nhận được bất cứ thông báo, giấy triệu tập tới các phiên tòa tiếp theo nào. Cho tới tận năm 2002, Vietnam Airlines nhận được thư đòi tiền của ông Maurizio Liberati kèm theo bản án số 8395 của Tòa sơ thẩm Roma ngày 7/3/2000, yêu cầu Vietnam Airlines trả số tiền 4.370.584 Euro thì mới biết có bản án của Tòa sơ thẩm Roma vì Vietnam Airlines đã không được tống đạt bản án.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho rằng, bản án ngày 7/3/2000 của Tòa sơ thẩm Roma căn cứ trên lời khai đơn phương của nguyên đơn mà ban hành bản án. Thực chất của vụ việc là có sự dàn xếp giữa nguyên đơn với luật sư của Công ty Falcomar lợi dụng việc Vietnam Airlines vắng mặt tại phiên tòa, ông Maurizio Liberati  và luật sư của Công ty Falcomar đã ngụy tạo các cơ sở, đưa ra các lời khai và tuyên bố không đúng với thực tế khách quan để trục lợi cho họ.

Tháng 2/2004, Vietnam Airlines nhận được thông báo của Ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp thông báo phong tỏa số tiền 1.334.411,94 Euro tại tài khoản BSP (tài khoản thu bán đại lý) của Vietnam Airlines tại Pháp để thi hành bản án ngày 7/3/2000 của Tòa sơ thẩm Roma.

Tháng 4/2004, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã nộp đơn yêu cầu xin hủy lệnh phong tỏa nêu trên lên Tòa án sơ thẩm Paris và sau đó là Tòa phúc thẩm Paris nhưng không đạt kết quả. Tháng 3/2006, Tòa phúc thẩm Paris đã bác đơn kháng án của Vietnam Airlines và tuyên Vietnam Airlines phải nộp đủ 5,2 triệu Euro vào tài khoản của Chủ tịch Đoàn Luật sư Paris để tạm giữ, chờ kết quả của các phiên tòa xem xét vụ kiện giữa Vietnam Airlines và ông Maurizio Liberati đang diễn ra tại Italia. Tháng 8/2006, Vietnam Airlines đã nộp đủ 5,2 triệu Euro vào tài khoản của Chủ tịch Đoàn Luật sư Paris để thi hành bản án này.

Đồng thời với việc nộp đơn yêu cầu hủy lệnh phong tỏa tài khoản BSP tại Pháp, tháng 4/2004, Vietnam Airlines đã chính thức gửi đơn kháng án lên Tòa phúc thẩm Roma đề nghị xem xét lại bản án năm 2000 của Tòa sơ thẩm Roma. Sau 7 phiên xem xét, ngày 16/12/2008 vừa qua, Tòa phúc thẩm Roma đã ban hành phán quyết không chấp nhận đơn kháng án của Vietnam Airlines với lý do: Tại thời điểm Vietnam Airlines nộp đơn kháng án năm 2004 thì thời hiệu kháng án đã hết (Thời hiệu kháng án hết từ năm 2001, trước khi Vietnam Airlines được biết bản án của Tòa sơ thẩm Roma) và Giấy triệu tập Vietnam Airlines ra Tòa sơ thẩm Roma năm 1995 đã được tống đạt cho Vietnam Airlines là hợp pháp.

Cũng trong quá trình thu thập tài liệu theo đuổi vụ kiện, do phát hiện thấy có sự thỏa thuận, dàn xếp giữa ông Maurizio Liberati và luật sư của Công ty Falcomar nhằm mục đích trục lợi và gây hại cho Vietnam Airlines, thể hiện ở 2 bức thư đề ngày 23/9/1996 và 13/11/1996. Tháng 10/2005, Vietnam Airlines đã gửi tiếp Đơn đặc biệt xin hủy bản án năm 2000 tới Tòa  sơ thẩm Roma. Sau 5 phiên xem xét, ngày 2/4/2009 sắp tới, dự kiến sẽ là phiên xem xét cuối cùng của Tòa sơ thẩm Roma liên quan đến vụ kiện này./.

Tóm tắt lại toàn bộ diễn biến vụ kiện, Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Minh một lần nữa khẳng định, trong vụ kiện này, Vietnam Airlines đã bị lợi dụng và chịu bản án bất công, phí lý bởi 3 lý do chính: Thứ nhất, Tổng công ty Hàng không Việt Nam không có bất cứ mối quan hệ pháp lý nào với nguyên đơn - ông Maurizio Liberati; Thứ hai, ông Maurizio Liberati và luật sư của Công ty Falcomar đã có sự dàn xếp để ngụy tạo, đưa ra các lời khai và tuyên bố không đúng với thực tế khách quan để trục lợi cho họ; Thứ ba, sau lần duy nhất nhận được giấy triệu tập của Tòa sơ thẩm Roma vào năm 1994, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo, giấy triệu tập tới các phiên tòa tiếp theo nào. Ngay cả bản án số 8395 ngày 7/3/2000 của Tòa án sơ thẩm Roma cũng không được tống đạt đến Vietnam Airlines. Trong khi Vietnam Airlines không có Văn phòng đại diện tại Italia, thì việc phán quyết không được gửi tới bất cứ địa chỉ nào của Vietnam Airlines hay thậm chí cả cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Italia là một sự vô lý.

(Theo: Cổng TTĐTCP)





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất