Thứ Hai, 25/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 18/10/2012 20:18'(GMT+7)

Viettel đề xuất dùng tiền công ích đầu tư cho nội dung Internet

Bộ TT&TT đang xem xét việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ viễn thông tại các vùng công ích.

Bộ TT&TT đang xem xét việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ viễn thông tại các vùng công ích.

Quỹ VTCI sẽ hỗ trợ hạ tầng băng rộng?

Trong buổi làm việc gần đây với các doanh nghiệp có hạ tầng mạng, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình VTCI và chuẩn bị tiếp chương trình này đến năm 2020. Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, sẽ có một số thay đổi quan trọng về khung chính sách VTCI. Sở dĩ phải thay đổi bởi nếu trong thời gian tới vẫn tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân vùng công ích sử dụng dịch vụ thì tính bền vững sẽ không cao. Vì vậy, Bộ TT&TT cũng xem xét đến việc thay vì hỗ trợ làm đại trà nâng cao mật độ sử dụng điện thoại, Internet để kéo gần lại khoảng cách đồng bằng và miền núi thì Bộ sẽ tập trung phát triển hạ tầng viễn thông. Trong đó, Bộ đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng băng rộng đa dịch vụ từ điện thoại, Internet... để phát triển lâu dài thay vì hỗ trợ duy trì hiện trạng cũ.

Bên cạnh đó, ưu tiên cho việc truy nhập dịch vụ, bảo đảm quyền truy nhập công bằng, hợp lý cho mọi người dân thông qua các dự án đầu tư hạ tầng đến các khu dân cư và phát triển điểm truy nhập công cộng như trường học, đồn biên phòng, bệnh viện. "Chúng ta sẽ không hỗ trợ doanh nghiệp duy trì kinh doanh dịch vụ vì có những phần lỗ của dịch vụ do yếu tố chủ quan, vì vậy nên giảm dần hỗ trợ duy trì kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, đây mới là ý tưởng của Bộ TT&TT và sẽ lấy ý kiến doanh nghiệp trong các cuộc họp sắp tới để triển khai chương trình này", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Nên hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng băng rộng

Bình luận về quan điểm này, lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông cho biết, chính sách hỗ trợ nào cũng có ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, phải thấy được chi tiết chương trình kế hoạch mà Bộ TT&TT sẽ triển khai mới biết được có phù hợp với tình hình mới hay không. Thời gian qua, với việc cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông thì nhiều dịch vụ viễn thông đã được đưa xuống vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là dịch vụ di động.

Trao đổi với BĐVN trước đó, một lãnh đạo của VNPT cho rằng nhà nước cần có hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng băng rộng vì việc đầu tư vào băng rộng rất tốn kém và thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, hạ tầng băng rộng có vai trò rất lớn trong xã hội và thúc đẩy sự tăng trưởng của GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Cụ thể các thống kê cho thấy cứ 1.000 người sử dụng băng rộng sẽ tạo thêm 80 việc làm và sự gia tăng của 10% về mật độ sử dụng băng rộng sẽ tác động tăng 1% GDP. Do đó, một số quốc gia đã có chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển băng rộng; nhiều nước trên thế giới đã đánh giá chỉ số phát triển từ mật độ điện thoại sang mật độ băng rộng.  

Chính phủ nên hỗ trợ phát triển nội dung

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã đưa ra ý tưởng được cho là có nhiều khác biệt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để sử dụng được dịch vụ viễn thông, thiết bị đầu cuối rất quan trọng vì nó đắt hơn hạ tầng. Cụ thể, muốn đầu tư hạ tầng cho một thuê bao chỉ mất khoảng 20 USD, nhưng đầu tư cho máy tính thì giá xấp xỉ 200 USD. Khi xây dựng mạng 3G, các doanh nghiệp viễn thông tận dụng được mạng 2G có sẵn như truyền dẫn nên chi phí đầu tư rất nhỏ (khoảng 20 USD/thuê bao), nhưng thiết bị đầu cuối phải có giá gấp 10 lần. Cho nên việc người dân có sử dụng được dịch vụ viễn thông hay không phụ thuộc rất lớn vào thiết bị đầu cuối; nhà mạng có thể dễ dàng xây dựng mạng lưới song để người dân bỏ ra 200 USD mua thiết bị đầu cuối là cả một vấn đề.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định có thể gỡ bỏ được những rào cản trên nếu có bước đi thích hợp. "Máy tính hiện ở mức khoảng 150 đến 200 USD, điện thoại 3G ở mức từ 80 USD  đến 120 USD là có thể truy cập Internet. Đây chính là cửa để chúng ta đẩy mạnh phát triển băng rộng. Không nên cực đoan nghĩ rằng chỉ có máy tính mới truy cập được Internet bởi vì đang có 6 - 7 triệu người dùng Internet qua smartphone, máy tính bảng, con số này nhiều hơn số người dùng ADSL. Hiện đã xuất hiện loại máy tính bảng giá rất rẻ, chỉ khoảng 3 triệu đồng là có thể truy cập 3G và thay thế máy tính. Học sinh có thể sử dụng những thiết bị này để gõ văn bản, không cần in ấn… Nếu chúng ta có thể chế tạo ra máy tính bảng mà lưu trữ thông tin, ổ cứng dựa vào điện toán đám mây thì giá chỉ còn 30 - 50 USD, đó chính là lời giải cho thiết bị đầu cuối", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trả lời câu hỏi vậy nhà nước có cần bù giá cho thiết bị đầu cuối để người dân có thể sử dụng những dịch vụ băng rộng hay không, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Nếu có sự trợ giúp của Chính phủ để bù giá thiết bị đầu cuối thì rất tốt, nhưng chi phí cực kỳ lớn. Ví dụ một máy tính giá 150 USD, Chính phủ hỗ trợ bù 100 USD để người dân mua được giá 50 USD và với quy mô 22 triệu hộ thì phải mất 2,2 tỷ USD, một thách thức đối với bất kỳ Chính phủ nào. Thế nhưng, do công nghệ và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có thể đẩy mức giá máy tính bảng xuống 30 USD hay điện thoại 3G là 50 - 80 USD. Câu chuyện thiết bị đầu cuối đang là một cơ hội và chúng ta phải đẩy để nó đi nhanh hơn. Trong đó, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ một chút là có thể giải quyết được" .

Cho dù khẳng định Chính phủ có thể hỗ trợ thiết bị đầu cuối để người dân nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng được dịch vụ viễn thông, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn đánh giá điểm quan trọng nhất mà Chính phủ cần hỗ trợ chính là nội dung. "Chúng ta nên dành sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển nội dung. Bởi vì, nếu hỗ trợ thiết bị đầu cuối thì chi phí rất lớn, hơn nữa sản phẩm công nghệ sau mỗi năm đều giảm giá và như vậy hỗ trợ giá là vô nghĩa. Nhà nước nên bỏ tiền ra làm những nội dung có lợi cho đất nước như giáo dục (học Tiếng Anh miễn phí; học, tra cứu video lịch sử…). Nội dung trên Internet không có hãng viễn thông, công nghệ nào hỗ trợ, sản xuất cả. Vì vậy hãy để việc hỗ trợ giá đầu cuối cho các công ty viễn thông và công nghệ làm, Chính phủ chỉ làm truyền thông để người dân hiểu. Những gì doanh nghiệp làm tốt thì Chính phủ không nên làm - Chính phủ chỉ làm những cái không ai làm, đó chính là nội dung", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp rất cần hỗ trợ thủ tục đào đường, chôn cáp

"Tôi ủng hộ chủ trương Nhà nước ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng băng rộng để phục vụ người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong chương trình phát triển VTCI đến năm 2015. Nhưng trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng viễn thông, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục đất đai khi giải phóng mặt bằng, thủ tục xin phép để được đào đường, chôn cáp. Nhiều địa phương đã đặt doanh nghiệp vào tình thế “treo không được, chôn không xong”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích, Nhà nước cần có chính sách để các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp, hỗ trợ cho doanh nghiệp viễn thông giải quyết những vướng mắc trên".
(Ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc VNPT Quảng Trị)

Ưu tiên hỗ trợ trường học và chính quyền địa phương
"Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét nhu cầu của người dân để triển khai các dịch vụ công ích trên nền băng rộng. Riêng dịch vụ truy cập Internet, nếu Nhà nước hỗ trợ kinh phí trang bị máy tính hoặc cước sử dụng dịch vụ thì nên ưu tiên lựa chọn các trường học, UBND xã, phường, thôn, xóm thì sẽ hiệu quả hơn. Đắc Lắc là tỉnh miền núi cao, hệ thống giao thông các tỉnh Tây Nguyên hiện chưa ổn định khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xây dựng hạ tầng viễn thông vì chi phí đầu tư, sửa chữa lớn. Đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển hạ tầng ở những khu vực này".
(Ông Nguyễn Hữu Anh, Giám đốc VNPT Đắc Lắc)

Gần 5.000 tầu cá của ngư dân được hỗ trợ "Trong giai đoạn 2007 - 2010, Chương trình 74 do Vishipel triển khai đã hỗ trợ trang bị máy thu phát HF trực tiếp đến gần 5.000 tàu cá xa bờ. Tuy nhiên, Vishipel vẫn còn gặp một số khó khăn cần phải điều chỉnh như Nhà nước cần phân định rõ tàu xa bờ và ven bờ để có kế hoạch cung cấp dịch vụ cho phù hợp. Chính phủ phải có quy định chung thống nhất giữa các hệ thống cung cấp dịch vụ trên đất liền trong việc quản lý tàu và xử lý thông tin cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn. Khi hỗ trợ ngư dân cần tập trung vào 3 nội dung chính: Chuẩn hóa việc trang bị thiết bị thông tin cho tàu cá xa bờ; Đẩy mạnh công tác truyền thông tới ngư dân: Cần sự phối hợp tốt giữa các đơn vị cùng tham gia cung cấp dịch vụ thông tin cho ngư dân".
(Ông Bùi Minh Hồng - Phó Tổng giám đốc VISHIPEL)

Thái Khang - ICTnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất