Chủ Nhật, 22/9/2024
Chính sách
Thứ Ba, 7/8/2012 11:18'(GMT+7)

Vĩnh Long: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho những lĩnh vực mang tính đột phá

Thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long) trên đường hội nhập và phát triển.

Thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long) trên đường hội nhập và phát triển.

Đây là giai đoạn 2 của Đề án đào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cho tỉnh Vĩnh Long (gọi tắt là đề án Vĩnh Long 100) thuộc Chương trình đào tạo nguồn nhân lực “Mêkông 1000” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các nhóm ngành nghề được tập trung đào tạo trong giai đoạn này gồm: công nghệ; kỹ thuật; kiến trúc – xây dựng – giao thông; y dược – nông lâm – thú y; khoa học và bảo vệ môi trường; kinh tế - luật – ngân hàng. Đây là những lĩnh vực Vĩnh Long đang thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao. Các đối tượng được chọn đi đào tạo phải hội đủ các điều kiện về chuyên môn và ngoại ngữ; trong đó ưu tiên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc diện quy hoạch của tỉnh ủy; các sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Long có nguyện vọng, tâm huyết công tác tại tỉnh và tốt nghiệp loại giỏi bậc đại học. Tổng kinh phí thực hiện hơn 43,5 tỷ đồng.

Đề án Vĩnh Long 100 được thực hiện từ năm 2006 nhằm đào tạo 100 cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài dựa theo chiến lược phát triển nhân lực có trình độ cao phù hợp với định hướng chuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ của tỉnh Vĩnh Long. Hơn 5 năm thực hiện, qua 13 đợt xét duyệt, Vĩnh Long có 82 ứng cử viên (phần lớn là sinh viên mới ra trường và lực lượng cán bộ trẻ) được chọn tham gia chính thức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do 22 ứng viên rút khỏi đề án, còn lại 60 ứng viên chính thức. Qua xét tuyển, chỉ có 37 ứng viên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và được cử đi học ở nước ngoài với 26 ngành nghề tại 13 quốc gia, vùng lãnh thổ (nhiều nhất là Anh, Pháp và Đài Loan). Tổng kinh phí thực hiện trên 22,2 tỷ đồng. Hiện tại, có 12 ứng viên học xong về tỉnh nhận công tác, 25 ứng viên còn đang học, 7 người đang xúc tiến thủ tục để đi học và 16 người đang học Anh văn tại trường Đại học Cần Thơ.

Theo Tiến sĩ Trương Thị Bé Hai - Phó Trưởng Ban điều hành thực hiện Đề án Vĩnh Long 100, khó khăn của Đề án hiện nay là số ứng viên cán bộ trong các cơ quan của tỉnh còn ít, đa số là sinh viên mới ra trường; một số ngành và chỉ tiêu không tuyển được học viên như ngành y tế cộng đồng; hầu hết các ứng viên không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn do vướng về trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, việc bố trí công tác cho một số cán bộ sau khi hoàn thành chương trình học chưa sát với ngành nghề đào tạo, chủ yếu dừng lại ở cấp trực thuộc phòng chuyên môn vì thế cơ hội phát triển khả năng còn thấp./.

Phạm Minh Tuấn - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất