Thứ Ba, 15/10/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 30/7/2023 6:0'(GMT+7)

Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ Tổ dân phố Đạm Phú, phường Tiền Châu, Phúc Yên

Đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ Tổ dân phố Đạm Phú, phường Tiền Châu, Phúc Yên

VĨNH PHÚC TÍCH CỰC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ

 Phát huy những truyền thống vẻ vang, tốt đẹp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ một tỉnh thuần nông sau 26 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã vượt khó vươn lên mạnh mẽ, nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân. Có được thành công hôm nay, cội nguồn sức mạnh, bài học quyết định là Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở, trong đó có vai trò quan trọng của chi bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tính đến cuối năm 2022, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc có 13 đảng bộ trực thuộc, 621 tổ chức cơ sở đảng; 8 đảng bộ bộ phận, 2.885 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở; 73.940 đảng viên. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, Hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như: Đề án 04-ĐA/TU, ngày 19/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về “Nâng cao chất lượng chi bộ đảng trong sạch vững mạnh giai đoạn 2017-2020”; Kết luận số 13-KL/TU, ngày 19/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ đảng trong giai đoạn hiện nay; Hướng dẫn số 13-HD/TU, ngày 16/11/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt; Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 22/9/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2025. Trong đó tại Hướng dẫn số 13-HD/TU, ngày 16/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ 5 nhóm tiêu chí làm cơ sở đánh giá, chấm điểm một buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ đạt chất lượng đối với 4 loại hình chi bộ trong Đảng bộ tỉnh. Các tiêu chí gồm: Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt; công tác chuẩn bị, tổ chức sinh hoạt; thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; kết quả lãnh đạo thực hiện kết luận hoặc nghị quyết của chi bộ.

Thời gian gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ, nội dung sinh hoạt đảng theo Điều lệ Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thành uỷ và các Đảng uỷ cơ sở thành lập nhiều Tổ công tác dự sinh hoạt chi bộ. Thực hiện phân công cấp ủy viên cấp trên định kỳ hàng tháng trực tiếp dựchỉ đạo sinh hoạt chi bộ khu dân cư. Trong đó, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy bố trí thời gian dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở ít nhất 6 tháng 1 lần; các đồng chí ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ và cán bộ các cơ quan cấp huyện thực hiện việc dự sinh hoạt chi bộ ít nhất mỗi quý 1 lần; các đồng chí ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ đảng ủy các xã, phường, thị trấn hàng tháng dự, đánh giá chất lượng sinh hoạt với các chi bộ. Cấp ủy cấp trên dự, chỉ đạo sinh hoạt chi bộ đã giúp chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng được nâng lên, đồng thời giúp cấp ủy cấp trên nắm bắt, đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở kịp thời, phù hợp; giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra.   

Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, sinh hoạt chi bộ của các tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng nền nếp, chất lượng sinh hoạt được nâng lên. Nhiều Đảng bộ có từ 70-80% chi bộ đạt số điểm đánh giá chất lượng sinh hoạt từ 80-90 điểm trên thang điểm 100. Cấp ủy cấp trên chỉ đạo các chi bộ thường xuyên quan tâm nắm bắt, định hướng công tác tư tưởng, chỉ đạo nhiều chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề có nội dung, chủ đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng dưới các hình thức phong phú. Các chi bộ và mỗi đảng viên hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thấy rõ thực trạng, nhất là những hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn có biểu hiện hình thức, chất lượng chưa cao. Tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình ở các buổi sinh hoạt chi bộ không ít nơi còn yếu. Tình trạng coi trọng công tác chuyên môn hơn sinh hoạt chi bộ, từ đó xếp lịch làm việc “ưu tiên” họp chuyên môn trước, họp chi bộ sau, hoặc “tiện thể” lồng ghép sinh hoạt chi bộ với họp chuyên môn vẫn còn. Một số chi ủy, Bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung chưa chu đáo, cẩn thận, dẫn đến khi họp chi bộ điều hành lúng túng. Một số chi bộ nông thôn, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chưa cao, thời gian sinh hoạt chưa đảm bảo quy định. Chất lượng sinh hoạt chuyên đề chưa thiết thực, hiệu quả. Trong sinh hoạt chi bộ, nội dung nắm bắt và định hướng tư tưởng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn tư tưởng cho rằng nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cấp uỷ, người đứng đầu, cấp trên, của các nhà nghiên cứu lý luận và bộ phận chuyên trách. Tình trạng chi ủy không thông tin kịp thời về nội dung họp, đảng viên chưa nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị ý kiến vẫn nhiều; dự sinh hoạt chi bộ hoặc là không tham gia ý kiến, hoặc là phát biểu qua loa, chiếu lệ, thậm chí lan man không đúng chủ đề. Nhiều đảng viên chưa có đủ thông tin, nên chưa mạnh dạn, chưa tự tin, và cũng còn không ít đảng viên chưa đủ bản lĩnh trong đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch. Công cụ, phương tiện, kỹ thuật phục vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vừa thiếu, vừa lạc hậu,...

Trường Chính trị tỉnh chủ trì tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

Trường Chính trị tỉnh chủ trì tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

COI TRỌNG VÀ THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ BẢY GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Xuất phát từ thực trạng chất lượng sinh hoạt của các chi bộ ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, xuất phát từ yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo định hướng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cần coi trọng và thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục.

Cấp ủy cấp trên thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho Bí thư chi bộ; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ sinh hoạt, đánh giá chất lượng sinh hoạt, vai trò và hiệu quả tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của từng chi bộ trực thuộc.

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt để cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chi bộ; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Cần đặc biệt coi trọng tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng nền tảng tư tưởng của Đảng, cụ thể là những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về nội dung và giá trị của hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phúc Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; về quan điểm, chủ trương của Đảng, đường lối đổi mới của Đảng,... làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, lan toả, củng cố niềm tin vững chắc trong mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng ta, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt của chúng ta. Chi bộ, chi ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đưa nhiệm vụ này vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho đảng viên trong chi bộ, nâng cao ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sức đề kháng, vắc xin “miễn dịch” cho đảng viên trong chi bộ trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Hai là, mỗi cấp ủy, chi bộ trong các tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, quy trình, nội dung sinh hoạt theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Trong từng buổi sinh hoạt chi bộ phải đặc biệt coi trọng thông tin 2 chiều, nắm bắt, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tập trung thảo luận thẳng thắn và giải quyết thấu đáo những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần chúng. Trước, trong và sau sinh hoạt chi bộ, chi ủy, bí thư chi bộ chú trọng tuyên truyền, đối thoại, giáo dục, thuyết phục những cá nhân là đảng viên, hoặc quần chúng thuộc địa bàn chi bộ lãnh đạo, nhận thức chưa đúng, lệch lạc, mơ hồ, phát ngôn và hành động thiếu chuẩn mực, trái với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy mà trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị thật kỹ nội dung, trong đó, chú trọng một số vấn đề về: Công tác chính trị, tư tưởng; về thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ trong tháng; tình hình đảng viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ được cấp trên và chi bộ phân công; tổng hợp ý kiến của đảng viên, quần chúng đóng góp cho sự lãnh đạo của chi bộ, vai trò tiền phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị và thông báo để chi bộ biết, nhằm phát huy ưu điểm, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, giải quyết kịp thời những vụ việc tiêu cực; xác định nhiệm vụ của chi bộ trong tháng tới cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, cụ thể, bức xúc trước mắt; đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng của mỗi đảng viên nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chi bộ đề ra.

Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng điều hành của Bí thư chi bộ. Điều hành buổi sinh hoạt đảm bảo linh hoạt, khoa học, đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên; đúng chương trình nghị sự; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khơi gợi được nhiều ý kiến cá nhân, thảo luận kỹ lưỡng, kết luận chuẩn xác và biểu quyết thông qua nghị quyết. Người chủ trì cần nắm vững nguyên tắc, có kiến thức, am hiểu về công tác xây dựng Đảng. Bí thư chi bộ chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu, cập nhật thông tin, kiến thức, rèn kỹ năng.

Năm là, trong sinh hoạt chi bộ phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên, tạo không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên được bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; đảng viên cần tự giác nêu cao tính tiên phong gương mẫu, tự giác, chủ động chuẩn bị nội dung để phát biểu, phát biểu phải đảm bảo tính khoa học, tính chiến đấu, tính xây dựng. Trong sinh hoạt chi bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, phản bác các quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước.

Sáu là, thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng, cấp ủy phải nắm rõ tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc và giúp đỡ, giáo dục những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm; xử lý những đảng viên vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và tiêu chuẩn đảng viên. Thường xuyên rà soát, bổ sung, đánh giá nguồn kết nạp đảng viên, đưa ra khỏi danh sách tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng những quần chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Bảy là, từng chi bộ và mỗi đảng viên tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Mỗi chi bộ cần xây dựng và quản trị trang fanpage để đưa thông tin tốt, định hướng tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những đảng viên chia sẻ thông tin không đúng sự thật, thông tin xấu, độc, có biểu hiện hoặc hành động chống phá Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một nội dung, nhiệm vụ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đồng thời cũng là nhiệm vụ của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ thường xuyên của mỗi chi bộ. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi chi bộ đều mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch, do vậy mỗi chi bộ phải vừa là đối tượng bảo vệ, vừa là là chủ thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi đảng viên phải là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.

Lê Thị Điều
Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất