TÍCH CỰC THỰC HIỆN LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC
Từ những thành tựu to lớn của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, cùng những thành quả sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963: “phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Xuất phát từ ý chí tự lực, tự cường, vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của tỉnh, Vĩnh Phúc đã đi đầu trong đổi mới tầm nhìn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã nhất quán lựa chọn con đường đổi mới kinh tế để phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiều nhiệm kỳ đều đã xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng trong quá trình phát triển; kinh tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư với phương châm “Doanh nghiệp đến đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân Vĩnh Phúc”; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Ngay từ những năm 1960, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã đề ra chủ trương về “Khoán hộ” trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sự đóng góp quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để hơn 20 năm sau, ngày 5-4-1988, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới quản lý kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
|
Nhờ đường lối đổi mới, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao, bình quân đạt 13,9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, với tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 92,6%; tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ còn 7,4%. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng lên 60,5 lần so với năm 1997. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 102,5 triệu đồng/người/năm, gấp 47 lần so với ngày đầu tái lập. Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, đặc biệt thu nội địa nhiều năm liền chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội. Năm 2019, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, thu nội địa vượt mốc 30 nghìn tỷ đồng, gấp 307 lần so với năm 1997. Nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với lợi thế về vị trí chiến lược, với hệ thống giao thông thuận tiện, Vĩnh Phúc xác định, muốn đi xa, muốn tỏa rộng nhất định phải đồng hành cùng cả nước, cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; phải liên kết giữa các địa phương, kết nối giữa các vùng; thu hút các tập đoàn lớn, đồng thời chú trọng phát triển các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa để cùng nhau phát triển. Với những cơ chế, chính sách hấp dẫn, với sự chỉ đạo sâu sát, linh hoạt, thuyết phục của các cấp lãnh đạo, sau 23 năm thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nếu như ngày đầu tái lập tỉnh, chỉ có 8 dự án FDI thì nay trong tỉnh đã có 384 dự án đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, 755 dự án DDI và trên 10.600 doanh nghiệp được thành lập. Các khu công nghiệp phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho hơn 120.000 lao động; trong đó, có lao động của các tỉnh đến làm việc như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tây cũ, Thái Nguyên, Hà Nam…
|
Hiện có 152 sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh ở Vĩnh Phúc được xuất khẩu ra nước ngoài. Các dự án đó không chỉ đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động khu vực nông thôn, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều chính sách về an sinh xã hội được thực hiện và Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước có cơ chế, chính sách miễn thủy lợi phí, miễn học phí cho học sinh mầm non từ năm 2015.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển đồng bộ. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều đạt chất lượng cao. Những năm học gần đây, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Vĩnh Phúc luôn nằm trong top đầu cả nước. Kết quả thi học giỏi quốc gia năm học 2019-2020 xếp thứ 4 toàn quốc, với 4 giải nhất, 34 giải nhì và là tỉnh có tỷ lệ học sinh dự thi đạt giải cao nhất nước. Nhiều học sinh Vĩnh Phúc đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế và khu vực. Đây cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố có 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân và an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,46%. Quốc phòng được củng cố, tăng cường gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cũng trên con đường đổi mới và phát triển, Vĩnh Phúc đã nhìn xa, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân tài để tỏa rộng, vươn cao cùng cả nước.
Thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh nhiều nhiệm kỳ qua đã chứng tỏ Vĩnh Phúc coi phát triển kinh tế trước hết vì sự phát triển xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân là đúng đắn và phù hợp. Việc thu hút nhiều dự án đầu tư, nhưng không thu hút đầu tư bằng mọi giá, làm tổn hại môi trường sinh thái mà lấy bảo vệ môi trường làm căn cơ để phát triển nhanh và bền vững, đồng thời giữ ổn định xã hội là quan điểm nhất quán, không thay đổi trong quá trình phát triển.
ĐOÀN KẾT, SÁNG TẠO VÀ ĐỔI MỚI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG
Một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc là chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các phương diện chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về nêu gương nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được triển khai toàn diện ở các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ ở nhiều nhiệm kỳ theo hướng nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được thực hiện nghiêm, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đồng thời bám sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực nhưng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua việc vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ngày càng được tăng cường và nâng cao theo lộ trình đổi mới và hội nhập; chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng bộ tỉnh luôn xác định đoàn kết, sáng tạo và đổi mới là rường cột căn bản để nhân dân đồng thuận, tất cả vì sự phát triển chung của tỉnh và đó chính là bài học kinh nghiệm luôn đúng trong 70 năm qua và cả trong tương lai.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015, Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 1) năm 2017, Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) năm 2020 và nhiều phần thưởng cao quý khác.
|
ĐƯA VĨNH PHÚC TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP DU LỊCH CỦA VÙNG VÀ CẢ NƯỚC
Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), 70 năm Ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12-2-1950 - 12-2-2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất diễn ra vào ngày 1-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử vẻ vang hào hùng trong chặng đường 90 năm vinh quang của Đảng, của dân tộc, nhìn lại lịch sử truyền thống văn hóa cũng như quá trình xây dựng phát triển đầy tự hào của tỉnh Vĩnh Phúc trong chặng đường 70 năm. Những giá trị lịch sử và truyền thống là động lực mạnh mẽ để không ngừng khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo, giúp nhau tiến bộ lao động sản xuất người dân Vĩnh Phúc. Đồng thời, đó là nền tảng, niềm tin, động lực và khát vọng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XXI, phấn đấu đưa quê hương Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp du lịch của vùng và cả nước.
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược đề ra, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đồng thời, tập trung quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thường xuyên chăm lo, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực… Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Thứ ba, tiếp tục huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao; chú trọng phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chú trọng hoàn thiện và thực hiện các quy hoạch về kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Phúc, phấn đấu sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ tư, phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhất là nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Là tỉnh công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc cần quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân với các thiết chế văn hóa hợp lý, định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với bảo vệ tốt hơn nữa môi trường sống của nhân dân, bảo đảm an toàn cho người dân.
Thứ năm, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng nhân dân, dư luận xã hội, làm tốt công tác dân vận, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, không để trở thành điểm nóng; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội./.
Thu Hằng