Liên hợp quốc ngày 22/11 thông báo các cuộc đàm phán mới diễn ra tại khu
nghỉ dưỡng Mont Pelerin ở Thụy Sĩ do Liên hợp quốc bảo trợ, nhằm tái
thống nhất đảo Cyprus đã không thể đạt được thỏa thuận.
Trong vòng đàm phán này, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades -
đại diện cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, và đại diện người
Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci đã đàm phán trong 2 ngày.
Nhưng bất chấp những nỗ lực cao nhất, hai bên vẫn không thể đạt đồng
thuận để thống nhất tiêu chí cho những điều chỉnh về lãnh thổ - yếu tố
quan trọng mở đường cho giai đoạn đàm phán cuối cùng.
Hai bên sau đó đã quyết định quay trở lại Cyprus và xem xét các bước đi tiếp theo.
Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, người chủ trì vòng đàm
phán trên, cũng khẳng định lãnh đạo của hai cộng đồng tham gia đàm phán
đều cam kết sẽ nỗ lực phá vỡ các bất đồng để đạt thỏa thuận về vấn đề
này trong năm nay.
Hai bên hiện vẫn còn tồn tại một số điểm bất đồng, đặc biệt là khi Tổng
thống Anastasiades thông báo ông sẽ yêu cầu phần lãnh thổ lớn hơn cho
cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp.
Hiện có 800.000 người Cyprus gốc Hy Lạp và khoảng 220.000 người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống trên đảo Cyprus.
Hòn đảo nằm ở Địa Trung Hải này bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những
người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân
chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền
Bắc đảo Cyprus."
Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Nhà nước Cộng hòa
Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý, nằm ở phần lãnh thổ phía Nam hòn
đảo.
Năm 2004, Liên hợp quốc từng đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm tái thống
nhất đảo Cyprus, nhưng đã bị người Cyprus gốc Hy Lạp bác bỏ trong cuộc
trưng cầu ý dân.
Năm ngoái, Liên hợp quốc tiếp tục thúc đẩy đàm phán giữa hai cộng đồng
đối địch ở đảo Cyprus với hy vọng có thể "đạt được thỏa thuận toàn diện"
sớm nhất có thể./.
(TTXVN)