Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 8/8/2018 9:21'(GMT+7)

Vòng luẩn quẩn bên eo biển Hormuz

Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran. (Ảnh: TTXVN)

Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark của Iran. (Ảnh: TTXVN)

Các biện pháp cấm vận lần này của Mỹ được cho là toàn diện và khắc nghiệt nhất trong lịch sử bất đồng giữa Mỹ và Iran, cho thấy Mỹ vẫn theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa về kinh tế” đối với nước cộng hòa Hồi giáo này. Hầu như các lĩnh vực trọng yếu nhất của nền kinh tế Iran đều đã nằm trọn trong “vòng vây” cấm vận của Washington. Gói biện pháp trừng phạt đầu tiên vừa có hiệu lực nhắm vào các giao dịch mua USD, vàng, các kim loại quý cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran. Gói thứ hai dự kiến có hiệu lực ngày 5/11 nhắm tới các lĩnh vực như: Cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và những thỏa thuận hợp tác giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran.

Có thể nói, Mỹ đã và đang nhắm tới những chỗ hiểm nhất của nền kinh tế Iran, trong đó “tử huyệt” chính là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, vốn được coi như “động mạch chủ” của nền kinh tế nước này.

Giữa lúc nền kinh tế Iran đang đối mặt với một loạt thách thức cả trong lẫn ngoài, thậm chí tiến dần tới bờ vực khủng hoảng, đòn cấm vận của Mỹ tung ra lúc này chẳng khác nào quyết dồn Iran đến chân tường. Tăng trưởng sụt giảm, đồng nội tệ suy yếu, lạm phát và giá cả leo thang kéo theo các nguy cơ về mặt chính trị, xã hội, nhất là khi phong trào biểu tình chống chính phủ gia tăng. Trong khi đó, Iran đang đối mặt với thực tế các công ty đầu tư nước ngoài buộc phải chấm dứt quan hệ làm ăn với nước này do lo ngại bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ… Chưa kể việc quốc gia Hồi giáo này luôn phải lo đối phó với những láng giềng đối thủ liên tục đe dọa sử dụng vũ lực như Israel hay một số nước vùng Vịnh.

Trong tình thế khó khăn ấy, Washington hy vọng việc gia tăng sức ép mạnh mẽ sẽ khuất phục được nhà nước Hồi giáo Iran trong vấn đề hạt nhân mấu chốt, cụ thể là đàm phán lại để đạt được một thỏa thuận mà Mỹ cho là toàn diện hơn. Trong đó, điều kiện cốt lõi vẫn là Iran phải ngừng hoàn toàn chương trình tên lửa đạn đạo gây tranh cãi.

Đó vẫn chưa phải là tất cả những gì Washington mong muốn. Người ta vẫn còn nhớ 12 điều kiện mà Mỹ đặt ra đối với Iran, trong đó bao gồm cả việc Iran phải rút quân khỏi Syria, chấm dứt hoạt động hỗ trợ các nhóm mà Mỹ coi là "khủng bố".

Tuy nhiên, ngay cả khi đã biết thế nào là “ngấm đòn" cấm vận, Iran vẫn chưa bao giờ nhượng bộ Mỹ ở những vấn đề cốt tử, bởi như vậy đồng nghĩa với sự đầu hàng và vứt bỏ con át chủ bài liên quan đến chương trình hạt nhân trong cuộc chơi nhiều thử thách với Washington.

Ngay cả khi những lời đe dọa chiến tranh vang lên từ Washington, Tehran vẫn bình tĩnh đáp lại bằng những tuyên bố đầy cứng rắn. Người ta vẫn nhắc tới vũ khí lợi hại của Iran chính là eo biển Hormuz, tuyến đường biển vận chuyển dầu mỏ duy nhất từ vùng Vịnh ra thế giới, mà Tehran có thể phong tỏa bất cứ khi nào nếu bị “dồn đến bước đường cùng”. Đến nay, đó vẫn chỉ là đòn chiến tranh tâm lý mà cả Mỹ và Iran đều đã sử dụng. Bởi cả Iran và Mỹ đều hiểu rằng, hậu quả của việc dùng vũ lực sẽ rất khốc liệt cho cả hai, kéo theo những hệ lụy khôn lường với khu vực và thế giới.

Cần phải biết rằng, đây không phải là lần đầu tiên Iran bị cấm vận kinh tế. Iran từng bị Mỹ và phương Tây cấm vận suốt 25 năm, nhưng rốt cuộc cũng chưa lần nào nổ ra chiến tranh như các ngòi bút phân tích thường thổi phồng nguy cơ dựa trên những màn “khẩu chiến” nảy lửa giữa các lãnh đạo Iran và Mỹ.

Lịch sử bất đồng hạt nhân giữa Mỹ và Iran cho thấy, trải qua nhiều thăng trầm, chính sách “cây gậy và củ cà rốt” mà Mỹ áp dụng với Iran chưa từng phát huy hiệu quả. Iran vẫn tìm mọi cách để đối phó và có thể nói là đã chống chọi tương đối thành công trước các biện pháp trừng phạt.

Việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran đã cho thấy bế tắc của Mỹ liên quan đến hồ sơ hạt nhân của nhà nước Hồi giáo này. Vòng luẩn quẩn "cấm vận và trừng phạt" vẫn chưa được phá bỏ, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua đối thoại hòa bình.

Động thái đẩy quan hệ Mỹ-Iran vào vòng xoáy căng thẳng này là hệ lụy đáng tiếc của việc thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 không được tôn trọng sau khi ông Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận vốn được coi là bước đột phá lịch sử giúp khai thông thế bế tắc trong giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, đẩy lùi nguy cơ bùng phát xung đột.

Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran không được giải tỏa, chưa thể nói trước điều gì sẽ xảy ra đối với an ninh năng lượng toàn cầu cũng như sự ổn định ở khu vực và trên thế giới. Iran là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là quốc gia mà Mỹ và nhiều nước ở khu vực muốn kiềm chế. Trong khi đó, ở khu vực, Mỹ cũng không thiếu những đồng minh là đối thủ của Iran sẵn sàng nhảy vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm này.

Trong tình thế hiện nay, “ánh sáng cuối đường hầm” dường như vẫn le lói xuất hiện, bởi thực tế là dù giơ cao “cây gậy” với Tehran, ông Donald Trump vẫn tuyên bố để ngỏ việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân và “sẵn sàng đàm phán vô điều kiện” với lãnh đạo Iran “bất kỳ lúc nào”.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore vừa qua cũng là một ví dụ cho thấy hòa dịu vẫn có thể tái lập, dù hai bên đã có lúc bên bờ vực xung đột quân sự. Hy vọng, Mỹ và Iran cũng sẽ tìm ra giải pháp hạ nhiệt căng thẳng để cùng xây dựng một kịch bản với kết thúc có hậu, mở ra triển vọng hợp tác và hòa bình./.

Mỹ Hạnh (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất