Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 24/11/2017 16:26'(GMT+7)

Vòng luẩn quẩn trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 tại Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 tại Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tưởng chừng đã tạm lắng trong gần 2 tháng qua lại nhanh chóng “tăng nhiệt” sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách mà Washington gọi là “các quốc gia bảo trợ khủng bố".

Dù Mỹ coi đây là biện pháp cứng rắn cần thiết để đáp trả các vụ thử hạt nhân và tên lửa vừa qua của Triều Tiền và gây áp lực buộc Bình Nhưỡng ngừng cách hành động khiêu khích, song phản ứng gay gắt của Triều Tiên sau đó cho thấy bước đi này của Washington dường như đang đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên lâm vào thế bế tắc hơn nữa.

Quyết định của Mỹ cũng không quá bất ngờ bởi ngay từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, Washington thường xuyên đe dọa đưa Bình Nhưỡng trở lại “danh sách đen", đặc biệt sau mỗi lần Triều Tiên thử hạt nhân.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, Nhà Trắng cũng vài lần đưa vấn đề này ra xem xét, coi đây là một trong những biện pháp nhằm gia tăng sức ép tối đa và cô lập quốc gia Đông Bắc Á liên quan đến vấn đề hạt nhân, bởi theo luật của Mỹ, các nước nằm trong danh sách trên sẽ chịu những biện pháp cấm vận mạnh mẽ nhất, bị áp đặt các quy định nghiêm ngặt về hoạt động tài trợ nước ngoài của Mỹ, cấm hoạt động mua bán và xuất khẩu liên quan đến quốc phòng cũng như các biện pháp trừng phạt hết sức gắt gao về tài chính.

Quyết định trừng phạt mạnh tay nhất của Mỹ nhằm vào Triều Tiên cho thấy sau những màn “khẩu chiến” gay gắt, từ đe dọa “trút lửa và thịnh nộ" đến “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên", Tổng thống Donald Trump có vẻ đã hết kiên nhẫn. Washington coi đây là cách để thể hiện thái độ kiên quyết với các động thái được xem là khiêu khích của Bình Nhưỡng, đồng thời cũng để siết chặt hơn nữa chiến dịch gây sức ép với Triều Tiên.

Thậm chí, động thái mới của Mỹ còn được coi là có thể "dọn đường" cho bước đi mạnh hơn, như là sử dụng giải pháp quân sự trong vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc đưa Triều Tiên trở lại “danh sách các nước bảo trợ khủng bố” có thể xem là “bước lùi” đối với tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhất là khi xét tới khía cạnh rằng năm 2008, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách này nhằm thể hiện thiện chí và thúc đẩy vòng đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Nói cách khác, quyết định của Tổng thống Trump có vẻ đã “khóa chặt” thêm cánh cửa đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa mà các bên đang hết sức nỗ lực để có thể mở lại. Thực tế nhiều năm nay đã chứng tỏ răn đe và trừng phạt không giải được bài toán hạt nhân của Triều Tiên, gia tăng áp lực cũng không khiến quốc gia Đông Bắc Á này thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân, mà sẽ chỉ gây ra phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên.

Hiện Bình Nhưỡng đang gánh chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có của Liên hợp quốc sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ sáu hồi tháng Chín vừa qua, song không có dấu hiệu gì cho thấy Triều Tiên sẽ ngừng hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân. Thậm chí, Triều Tiên còn tuyên bố đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới cỡ cần thiết và tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Bình Nhưỡng đang theo đuổi chính sách “song tiến” nhằm phát triển kho hạt nhân song song với cải thiện nền kinh tế, bởi nước này coi vũ khí hạt nhân là “lá chắn vững chắc” để tăng cường khả năng tự vệ và bảo vệ chủ quyền quốc gia trước các vụ tấn công hạt nhân từ "các quốc gia thù địch", trước hết là Mỹ.

Đặc biệt, Triều Tiên vẫn cho rằng Mỹ luôn tìm cách thay đổi chế độ hiện nay của Bình Nhưỡng thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, trước hết là triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Trong bối cảnh hai bên luôn nghi kỵ lẫn nhau, bước đi của Mỹ lại "đổ thêm dầu vào lửa," có thể đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát khi Bình Nhưỡng ngay lập tức để ngỏ khả năng "ăn miếng trả miếng" tương ứng nhằm vào Mỹ.

Chưa kể lâu nay, bản thân Mỹ cũng bị cáo buộc sử dụng cái gọi là “danh sách bảo trợ khủng bố” để “khuất phục” các quốc gia mà Washington “không ưa”, như việc Mỹ từng đưa Cuba vào danh sách này trong 33 năm, được xem là một cách để biện minh cho chính sách bao vây cấm vận kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ chống La Habana. Do đó, Nga, Trung Quốc, thậm chí cả đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc đều lo ngại quyết định đưa Triều Tiên trở lại "danh sách đen" sẽ chỉ "kích động" Bình Nhưỡng, khoét sâu thêm bất đồng và cản trở nỗ lực đưa hai bên trở lại bàn đàm phán.

Bên cạnh đó, dù toan tính có thể “bắn 1 mũi tên trúng 2 đích” khi vừa trừng phạt Triều Tiên vừa “nắn gân” được Trung Quốc sau khi mở rộng danh sách trừng phạt cả các công ty Trung Quốc bị cáo buộc làm ăn kinh doanh với Triều Tiên, song hành động của Washington đang tỏ ra "lợi bất cập hại" do sự phản đối gay gắt từ phía Bắc Kinh. Chưa rõ hiệu quả của việc liệt Triều Tiên vào "danh sách đen” đến đâu, song chắc chắn là quan hệ Mỹ-Trung ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, trước tiên là cản trở hai nước này phối hợp nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Bởi vậy, việc Mỹ đưa Triều Tiên trở lại “danh sách đen” bị coi là quyết định vội vàng và “đi vào lối mòn”, phần nào thể hiện sự lúng túng và bế tắc của Washington trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hóa ra lại đang chọn cách tiếp cận nhiều rủi ro nhất để kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Bước đi mới của Washington có nguy cơ đẩy vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vào một vòng tròn luẩn quẩn của những sự khiêu khích-trừng phạt-đáp trả không có lối ra, làm phương hại những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại và tham vấn./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất