Không giống như phiên điều trần trước đó một ngày tại
Thượng viện Mỹ, 55 hạ nghị sĩ Mỹ đã liên tiếp chỉ trích và truy vấn
quyết liệt, khiến "ông chủ" Facebook bộc lộ rõ sự căng thẳng và đôi lúc
mất bình tĩnh. Trong cả hai phiên chất vấn, có tới 40 lần CEO của
Facebook không có câu trả lời và đề nghị được trả lời sau.
Trong
5 giờ điều trần, các hạ nghị sĩ Mỹ dồn dập đưa ra những câu hỏi chuyên
sâu trong lĩnh vực công nghệ và tập trung đi thẳng vào vụ bê bối dữ liệu
của Facebook, như liệu có phải mạng xã hội này có mua bán dữ liệu người
dùng hay Facebook có cam kết thay đổi thiết lập mặc định nhằm giảm việc
thu thập dữ liệu “xuống mức thấp nhất có thể”...
Màn chất vấn
của Hạ nghị sĩ Anna Eshoo được cho là một trong những màn chất vấn kịch
liệt nhất. Khi được hỏi liệu Facebook có thay đổi mô hình kinh doanh "để
bảo vệ quyền riêng tư cá nhân", ông Zuckerberg thay vì trả lời một cách
đơn giản "có" hoặc "không" như được yêu cầu đã liên tục tránh né, thậm
chí là tranh cãi về chi tiết với Hạ nghị sĩ Eshoo. Khi thời gian hỏi-đáp
kết thúc, một câu trả lời chính thức vẫn chưa được đưa ra.
Từ
câu hỏi của Hạ nghị sĩ Eshoo, một lần nữa vấn đề Facebook thu phí đối
với người sử dụng lại nổi lên. Nhiều ý kiến cho rằng việc người dùng
thay vì bị các quảng cáo nhắm tới, có thể trả tiền hàng tháng để không
bị làm phiền, là một hình thức kinh doanh phi quảng cáo mà Facebook nên
làm trong bối cảnh dữ liệu cá nhân là một tài sản nhạy cảm và đa số
người sử dụng không muốn thông tin của mình bị chia sẻ hay mua bán. Tuy
nhiên, Zuckerberg vẫn kiên định lập trường rằng để thực hiện tốt hơn sứ
mệnh “kết nối mọi người”, Facebook sẽ vẫn miễn phí và luôn như vậy.
Trong
khi trả lời chất vấn Hạ nghị sĩ Eshoo, Mark Zuckerberg buộc phải thừa
nhận chính bản thân ông cũng nằm trong số 87 triệu người dùng Facebook
bị công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica thu thập dữ liệu bất hợp
pháp. Và các hạ nghị sĩ Mỹ cho rằng đây chính là minh chứng cho thấy
việc quản lý quyền riêng tư cũng như các chính sách bảo mật của Facebook
đang quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, CEO Zuckerberg cũng cho biết sẽ rất khó
để đảm bảo việc dữ liệu người dùng không bị mua đi bán lại trước thời
điểm năm 2014.
Liên quan tới hàng loạt câu hỏi về việc người
dùng làm thế nào để có thể gỡ bỏ các dữ liệu trong tài khoản Facebook và
làm thế nào để những người không gia nhập trang mạng xã hội này có thể
gỡ bỏ các thông tin mà không cần đăng nhập... ông Zuckerberg đều không
có câu trả lời thỏa đáng.
Tài
khoản giả mạo cũng là một trong những vấn đề nổi cộm khác trong phiên
điều trần. Khi được hỏi Facebook đang xử lý vấn đề này như thế nào, CEO
Zuckerberg thừa nhận tài khoản giả mạo là một vấn đề lớn và đây là
nguyên nhân của nhiều vấn đề khác như tin giả và các cáo buộc về can
thiệp bầu cử như hiện nay. Để giải quyết thực trạng này, vị CEO cho biết
Facebook sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp phát hiện và xóa bỏ
các tài khoản kiểu này. Tuy nhiên, các hạ nghị sĩ Mỹ cho rằng mạng xã
hội lớn nhất hành tinh đang dựa dẫm quá nhiều vào AI, trong khi công
nghệ này của Facebook hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển chứ chưa
hoàn thiện, do đó câu trả lời "công cụ AI" của ông Zuckerberg được cho
là "quá mơ hồ" và "không thỏa đáng".
Giới phân tích đánh giá
buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ là khá kịch tính, khiến Mark Zuckerberg
đôi lúc mất đi phong thái bình tĩnh và cẩn trọng vốn có. Song sự thể
hiện của vị CEO lần này cũng không quá tồi và đã khiến giá cổ phiếu của
Facebook tiếp tục tăng thêm khoảng 0,78%, chốt phiên giao dịch ngày 11/4
(giờ Mỹ) quanh ngưỡng 166 USD/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu của mạng xã
hội Facebook có tới 2,2 tỷ thành viên này cũng đã tăng 4,5% - mức mạnh
nhất trong hai năm qua - sau khi tỷ phú 33 tuổi này phải đối chất với
các thượng nghị sĩ Mỹ.
Trao đổi với phóng viên sau hai phiên
điều trần của ông Zuckerberg, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và thương mại
Hạ viện Mỹ Greg Walden tuyên bố ông muốn thảo luận với các thành viên
trong ủy ban về các cuộc chất vấn tương tự tới đây với lãnh đạo các công
ty công nghệ khác của Mỹ.
TTXVN