Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 11/5/2017 22:4'(GMT+7)

WEF-ASEAN: Diễn đàn hướng về tương lai của ASEAN

Diễn đàn được tổ chức đúng vào dịp ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và cũng là thời điểm vàng để ASEAN thảo luận về những động lực phát triển trong nửa thế kỷ tới.

Thực tế đã chứng minh, 50 năm qua, ASEAN được coi là hình mẫu của hội nhập khu vực nhờ nỗ lực vượt lên những khác biệt, sự đoàn kết và thống nhất của khu vực.

Năm 2016, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới nhưng đến đầu năm 2017, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 và dự kiến đến năm 2020 sẽ nằm trong nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo WEF, trong số 10 nền kinh tế mới nổi đáng chú ý nhất khu vực châu Á, ASEAN có 3 thành viên gồm Thái Lan (thứ nhất), Malaysia (thứ 3) và Việt Nam (thứ 5).

Những năm qua, tăng trưởng kinh tế bình quân của ASEAN đạt 5%/năm. Ở mức tăng trưởng này, phải mất 15 năm để ASEAN tăng gấp đôi thu nhập của người dân. Nhưng nếu tăng trưởng 7%/năm, WEF ước tính thời gian tăng gấp đôi thu nhập chỉ là 10 năm.

Để đạt mức tăng trưởng 7%/năm, các nước thành viên cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề mang tính quốc gia như cơ sở hạ tầng và giáo dục, đồng thời cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để ASEAN thực sự trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất.

AEC đòi hỏi các nước thành viên phải có sự điều phối chính sách mới có thể giúp dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động có kỹ năng luân chuẩn tự do giữa các nước thành viên. Khi đó, các doanh nghiệp của khu vực mới có điều kiện nâng quy mô và sức cạnh tranh toàn cầu trước sức ép của các nền kinh tế quy mô lớn hơn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể mang lại những lợi ích to lớn cho khu vực nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Chẳng hạn, nếu giá robot rẻ hơn, liệu ngành chế tạo còn có thể là con đường tạo ra việc làm?

Ngoài ra, trên 50% dân số của ASEAN dưới 30 tuổi, có triển vọng đứng thứ 3 về lượng đăng ký thuê bao điện thoại và là thị trường ô tô lớn thứ 5 thế giới. ASEAN còn là thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới và xu hướng được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong 5 năm tới.

Theo quan điểm của ông Shahril Shamsuddin, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Malaysia SapuraKencana “ASEAN có quyền lạc quan khi chúng ta có dân số 630 triệu người mà hơn một nửa số đó là những người trẻ tuổi - những người sáng tạo, biết kết nối và hợp tác để tạo dựng giá trị cho khu vực”.

Rõ ràng, ASEAN đã đạt được những bước tiến dài trong 5 thập kỷ qua nhưng con đường phía trước cũng còn không ít cơ hội và thách thức, nhất là làm thế nào để duy trì số lượng và chất lượng tăng trưởng ở mức cao, định vị ASEAN trong bối cảnh mới về địa-chính trị và kinh tế toàn cầu, hay ứng phó với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Với sự tham dự của hơn 750 đại biểu là các nhà lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp, học giả…, WEF-ASEAN năm 2017 sẽ không chỉ bàn về những vấn đề nêu trên mà quan trọng hơn là tìm kiếm các giải pháp giúp mỗi người cùng hành động.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Hội nghị WEF-ASEAN 2017 nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam như một nền kinh tế năng động, quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển; góp phần khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; thúc đẩy quan hệ hợp tác đang phát triển giữa Việt Nam và WEF.

Đặc biệt, Việt Nam là nước đăng cai Hội nghị WEF ASEAN năm 2018. Trong dịp này, Việt Nam sẽ nhận bàn giao vai trò nước chủ nhà của WEF ASEAN 2018./.

(Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất