Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tạm thời đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chữa sốt rét Hydroxychloroquine về khả năng điều trị bệnh COVID-19 tại một loạt quốc gia. Quyết định này được xem như một biện pháp đề phòng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 25/5, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay quyết định đã được đưa ra sau khi tuần san y khoa Lancet công bố một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng Hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có thể làm gia tăng khả năng tử vong của những người này. Cũng theo ông Tedros, những cuộc thử nghiệm được WHO hỗ trợ này bị đình chỉ trong lúc đánh giá lại về tính an toàn của loại thuốc này.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y học Lancet, thuốc điều trị sốt rét Hydroxychloroquine có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19.
Nghiên cứu của Lancet đã theo dõi dữ liệu của 96.000 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại 671 bệnh viện. Kết quả cho thấy những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Hydroxychloroquine hoặc thuốc có liên quan tới Chloroquuine có nguy cơ tử vong cao hơn so với những bệnh nhân không điều trị bằng các loại thuốc này.
Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo Hydroxychloroquine chỉ nên được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng cho đến khi kết quả khẳng định tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh COVID-19. Các tác giả nhấn mạnh họ chưa thể khẳng định liệu việc sử dụng thuốc này có mang lại hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19 hay không.
Nhu cầu về thuốc Hydroxychloroquine, vốn được cho phép sử dụng cách đây nhiều thập kỷ, đã gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo loại thuốc này được sử dụng trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, tháng Tư vừa qua, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc Hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19.
Thuốc kháng virus Remdesivir có hiệu quả trong điều trị COVID-19
Trong khi đó, Viện quốc gia về Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm (NIAID) của Chính phủ Mỹ vừa cho biết thuốc kháng virus Remdesivir rút ngắn được thời gian bình phục của bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu do NIAID tiến hành đã được công bố trên tạp chí Y khoa hàng đầu New England Journal of Medicine.
Nghiên cứu trên đã phát hiện rằng thuốc Remdesivir, khi được tiêm tĩnh mạch trong 10 ngày liên tiếp, đã đẩy nhanh quá trình phục hồi của các bệnh nhân COVID-19 điều trị trong bệnh viện, so với một giả dược (placebo) trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với 1.000 bệnh nhân tại 10 quốc gia trên thế giới.
Trước đó, Giám đốc NIAID Anthony Fauci cho biết bằng chứng ban đầu cho thấy thuốc Remdesivir có tác động tích cực, đáng kể và rõ ràng trong việc giảm thời gian phục hồi.
Trước đó, trong một tuyên bố ngày 22/5, Viện Y tế quốc gia Mỹ, mà NIAID là một bộ phận, khẳng định các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thuốc Remdesivir có hiệu quả nhất đối với các bệnh nhân đang điều trị tích cực trong bệnh viện.
Tuy nhiên, các tác giả của cuộc thử nghiệm trên cho biết thuốc này không ngăn hoàn toàn được các ca tử vong. Khoảng 7,1% bệnh nhân được sử dụng Remdesivir trong nhóm thử nghiệm đã tử vong trong vòng 14 ngày, so với 11,9% trong nhóm dùng giả dược.
Remdesivir là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, do công ty Gilead Sciences của Mỹ bào chế. Trong các nghiên cứu, thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển virus Corona gây bệnh tương tự như COVID-19, bao gồm Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Thuốc này được điều chế với mục đích ban đầu để điều trị virus Ebola, song không thành công. Hiện Mỹ đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir trong các bệnh viện từ ngày 1/5, sau Nhật Bản, trong khi châu Âu đang cân nhắc bước đi tương tự./.
Theo chinhphu.vn