Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 3/6/2020 14:4'(GMT+7)

WHO: SARS-CoV-2 chưa hề suy yếu

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO và cũng là một chuyên gia về dịch bệnh, ông Michael Ryan, cho biết virus mới sau khi xuất hiện có thể biến đổi và trở nên suy yếu hoặc đôi khi lại có thể trở nên mạnh hơn.

Theo ông, SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và con người cần thận trọng. Ông cảnh báo sự nguy hiểm khi xuất hiện quan điểm cho rằng virus đã suy yếu hơn.

Trước đó, ngày 1/6, bác sĩ Alberto Zangrillo, người đứng đầu Bệnh viện San Raffaele ở Milan - thủ phủ của vùng Lombardy từng là tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy cho rằng virus SARS-CoV-2 đã suy yếu và Chính phủ Italy sau đó rất lưu ý thông tin này.

Theo bác sĩ Zangrillo, trên phương diện lâm sàng, virus SARS-CoV-2 đã không còn tồn tại ở Italy. Ông cho biết các xét nghiệm tiến hành trong 10 ngày qua đã cho thấy tỷ lệ người cách ly nhiễm virus thấp hơn nhiều so với thời điểm cách đây một đến 2 tháng.

Chính điều này đã làm dấy lên sự hoài nghi của giới chuyên gia, những người cho rằng ông Zangrillo có thể nhầm lẫn ở tỷ lệ phát hiện cao hơn các trường hợp mắc bệnh không triệu chứng với khả năng suy yếu của chủng virus Corona này.

Lý giải về nhận định của ông Zangrillo, ông Ryan cho biết ở một số trường hợp, tình trạng nặng hay nhẹ của người nhiễm virus phụ thuộc vào số lượng virus và thời gian phơi nhiễm. Trên thực tế, điều này đã được chứng minh xảy ra trên nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa biết trường hợp virus SARS-CoV-2 có như vậy hay không.

Theo quan điểm của ông, tình hình dịch COVID-19 suy giảm là do nỗ lực của cộng đồng quốc tế thành công trong việc giảm số lượng người lây nhiễm và số ca phơi nhiễm virus. Hoặc xét trên khía cạnh khác, có thể nói rằng virus có thể yếu đi bởi nhân loại đang làm tốt hơn công tác ứng phó với nó, chứ không phải bản thân virus suy yếu đi.

MỸ "TĂNG TỐC" PHÁT TRIỂN VACCINE

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Mỹ ngày 1/6 đã tài trợ 628 triệu USD cho công ty dược phẩm Emergent BioSolutions nhằm tăng công suất sản xuất loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 đang nghiên cứu và có thể sẽ được đưa vào sử dụng.

Trong khi các công ty dược phẩm đang chạy đua để phát triển vaccine, dụng cụ xét nghiệm và thuốc điều trị thì Mỹ lại tìm cách bảo đảm công suất sản xuất vaccine theo chương trình Operational Warp Speed được thông báo hồi tháng 5/2020.

Đến nay, Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu y sinh học tiên tiến (BARDA)- cơ quan liên bang của Mỹ chuyên tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ phòng chống dịch bệnh đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các loại vaccine và cung cấp tài chính cho hơn 30 dự án, trong đó có các dự án liên quan tới chẩn đoán và điều trị.

BARDA đã viện trợ tài chính cho Moderna Inc (công ty đầu tiên ở Mỹ bắt đầu thử nghiệm vaccine trên người), Sanofi, Johnson & Johnson và công ty dược phẩm AstraZeneca Plc (Vương quốc Anh).

Trong khi đó, các nhà khoa học tại Đại học Monash, Australia, đang đi đầu trong việc thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của hơn 200 đơn vị chăm sóc y tế tích cực (ICU) trên khắp thế giới nhằm tìm ra phương pháp điều trị nhanh nhất và hiệu quả nhất đối với bệnh nhân mắc COVID-19.

Thử nghiệm trên có tên là REMAP-CAP, sử dụng thông tin thu thập từ các bệnh nhân COVID-19 tại các khu điều trị tích cực được chọn ngẫu nhiên và đang được điều trị bằng một loạt liệu pháp, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, huyết tương điều trị, liệu pháp steroid và liệu pháp miễn dịch để xác định sự kết hợp an toàn và hiệu quả nhất.

Bác sĩ điều trị tích cực Steve Webb thuộc Trường Y tế công cộng và y tế dự phòng của Đại học Monash cho biết cuộc thử nghiệm sẽ bảo đảm có nhiều bệnh nhân được điều trị tốt nhất và nhanh nhất có thể. Các chuyên gia có thể sử dụng kết quả thử nghiệm cho các bệnh nhân mới mắc COVID-19, giúp họ phục hồi nhanh hơn, giảm rủi ro tử vong, đồng thời loại trừ các loại thuốc mà bệnh nhân dung nạp kém./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất