Thứ Sáu, 20/12/2024
Thể thao
Thứ Năm, 17/7/2014 14:26'(GMT+7)

World Cup 2014 và những dấu ấn khó phai trên đất Brazil

Niềm vui của các cổ động viên đội tuyển Đức sau chiến thắng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Niềm vui của các cổ động viên đội tuyển Đức sau chiến thắng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyện trọng tài

Trọng tài là “ông vua” trên sân đấu, nhưng không phải vua lúc nào cũng đúng. World Cup 2014 chắc chắn được cho là giải đấu có nhiều vết đen liên quan đến quyết định sai sót của trọng tài nhất.

Ngay trận ra quân, trọng tài người Nhật Bản Yuichi Nishimura đã “tưởng tượng” ra cho đội chủ nhà một quả phạt đền. Liên tiếp nhiều trận các cầu thủ Brazil luôn được trọng tài ưu ái dù thi đấu rất bạo lực.

Thậm chí trong trận chung kết, người ta đôi lúc phải phát rồ vì người cầm cân nảy mực trận cầu đó dường như quá nương tay cho các pha phạm lỗi ác ý của Argentina.

Dù đã được hỗ trợ bằng nhiều công nghệ mới, có lẽ sai lầm về nhận định của trọng tài vẫn khó có thể hạn chế được tốt hơn.

Người mạnh nhất lại là kẻ tủi hổ nhất

Đương kim vô địch Tây Ban Nha và ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch Brazil - những đội được cho là mạnh nhất trước giải - đều phải chịu thất bại theo những cách không thể nhục nhã hơn.

Tây Ban Nha thua 1-5 ngay trận đầu với Hà Lan rồi bị loại chỉ sau 2 trận đầu với lối chơi bạc nhược.

Chủ nhà Brazil thì khá hơn khi vào đến bán kết, nhưng các trận thua 1-7 trước Đức rồi 0-3 trước Hà Lan ở 2 trận đấu cuối chứng tỏ họ gặp nhiều may mắn mới trụ lại được tới đó thay vì năng lực thực sự của mình.

Giải đấu của bàn thắng

World Cup 2014 chính là giải đấu có số lượng bàn thắng kỷ lục, ngang bằng với Pháp 1998: 171 bàn.

Đặc biệt ở vòng bảng, vô số pha lập công đã được thực hiện. Vòng loại trực tiếp thì có ít bàn hơn. Tuy nhiên cho đến trước 2 trận cuối cùng, tư tưởng tấn công vẫn là chủ đạo của 32 đội với 167 bàn được ghi. Đã có những trận đấu có tỷ số rất ấn tượng: 5-1 giữa Hà Lan và Tây Ban Nha, 5-2 giữa Pháp và Thụy Sĩ, 7-1 giữa Đức và Brazil.

Quá nhiều thủ môn xuất sắc

Đã nhiều năm rồi người hâm mộ mới được thưởng thức các pha trình diễn tuyệt vời một cách thường xuyên đến vậy của các thủ môn.

“Người nhện” Manuel Neuer xứng đáng với danh hiệu "Găng tay Vàng" với những màn bắt bóng, phá bóng cả bằng tay, chân và đầu.

Nếu Keylor Navas, Guillermo Ochoa, Tim Howard, Claudio Bravo hay Hugo Loris được lọt vào trận chung kết, họ cũng có khả năng giật giải thưởng này mà không tạo ra tranh cãi nào.

Suarez lại cắn đối phương

Lần thứ 3 trong sự nghiệp của mình, tiền đạo người Uruguay lại dùng răng tấn công đối thủ trên sân.

Nạn nhân của anh là Giorgio Chiellini của tuyển Italy, người vẫn chưa hiểu tại sao Suarez không nhận thẻ đỏ vì pha bóng đó dù vết răng còn hằn rành rành trên vai.

Suarez cuối cùng bị cấm thi đấu 4 tháng và 9 trận đấu quốc tế. Tuy thế, ngạc nhiên là anh vẫn được người dân Uruguay coi là người hùng, thậm chí còn nhận được lời khen ngợi từ tổng thống.

Tranh cãi về "Quả bóng Vàng" cho Messi


Việc FIFA trao Quả bóng Vàng World Cup cho Lionel Messi đã gây nên tranh cãi lớn, dù ngôi sao người Argentina đã đưa đội nhà vào tới chung kết sau 24 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng Toni Kroos, Manuel Neuer, Thomas Mueller, Arjen Robben, James Rodriguez là những cái tên được cho là xứng đáng hơn. Thậm chí, cả những huyền thoại của Argentina như Maradona và Mario Kempes đều cho rằng Messi không xứng đáng.


James Rodriguez được trao giải Chiếc giày Vàng, nhưng cũng xứng đáng với Quả bóng Vàng


Một số ý kiến cho rằng Messi nhận giải này chỉ vì anh là nhân vật quảng cáo hàng đầu của Adidas, hãng tài trợ cho chính danh hiệu "Quả bóng Vàng."

Bê bối tiền bạc


Các đội bóng châu Phi lại là tâm điểm của các tranh cãi về tiền thưởng. Cầu thủ của Ghana chỉ ra sân thi đấu nếu họ nắm chắc “phí ra sân.”

Vậy là tổng thống nước này phải phái một chiếc máy bay chở đầy tiền sang Brazil để thuyết phục họ chỉ vài giờ trước khi đụng độ Bồ Đào Nha. Rốt cuộc Ghana vẫn thua 1-2.

Trước đó, cầu thủ của Cameroon và Nigeria cũng đã đình công để gây áp lực buộc liên đoàn bóng đá trong nước tăng mức tiền thưởng. Truyền thông thế giới đã gọi đó là những vở hài kịch ngớ ngẩn.

Mario Goetze là người hùng thực sự của giải

Suốt cả giải Goetze chỉ là một cầu thủ dự bị. Thậm chí trong trận chung kết anh chỉ vào sân ở cuối trận. Thế nhưng mỗi lần được ra sân là một lần tiền vệ tóc vàng 22 tuổi thể hiện hiệu quả sức mạnh của mình.

Bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Argentina trong trận chung kết chứng tỏ tài năng của anh thậm chí còn xứng đáng với một vị trí trong 11 cầu thủ chính thức.


Goetze ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết


Không ngoa khi nói rằng “Super Mario" là cầu thủ chơi hiệu quả bậc nhất World Cup nếu so sánh tương quan thời lượng thi đấu và đóng góp cho tập thể.

Kỷ lục về sút luân lưu

Giải lần này chính là giải có nhiều trận phải giải quyết bằng các loạt penalty nhất với 4 lần. Đáng chú ý là Costa Rica và Hà Lan, mỗi đội đã 2 lần phải tham gia cuộc “đấu súng” một mất một còn này.

Các loạt penalty cũng đánh dấu màn thay người rất “dị” nhưng vô cùng hợp lý của huấn luyện viên Louis van Gaal: trong trận gặp Costa Rica, ông đã cho Tim Krul vào sân ở cuối trận để rồi anh này đẩy được hai cú sút của đối phương, đưa Hà Lan vào bán kết.

Mạng xã hội hòa mình với World Cup

Cứ mỗi khi một bàn thắng đẹp, một pha phạm lỗi nặng diễn ra thì trên các mạng xã hội, người ta lại thấy các bình luận và hình ảnh “chế” tràn ngập.


Bàn thắng tuyệt đẹp của Van Persie tạo nên một trào lưu ở World Cup


Điển hình là phong trào Persieing, tức chụp ảnh bắt chước pha đánh đầu của Robin van Persie trong trận gặp Tây Ban Nha và đăng lên mạng Twitter. Một ví dụ khác là loạt ảnh nhại hoặc chế theo pha cắn đối thủ của Luis Suarez.

Một số nước còn lập hẳn chiến dịch cổ động chính thức trên mạng xã hội, như Liên đoàn bóng đá Đức./.

Việt Anh (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất