WTO dự báo thương mại toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi với kết quả phụ thuộc phần lớn vào dịch bệnh và hiệu quả của các phản ứng chính sách.
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 cùng với những căng thẳng thương mại gia tăng mở đường cho hoạt động kinh tế tồi tệ khiến thương mại toàn cầu năm 2020 sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi với kết quả phụ thuộc phần lớn vào dịch bệnh và hiệu quả của các phản ứng chính sách.
Được thành lập vào tháng 1/1995, WTO có trụ sở tại Geneva với 164 thành viên, tham gia vào 98% thương mại thế giới và đặt ra các quy tắc thương mại giữa các quốc gia cho phần lớn thương mại thế giới.
Tương lai thương mại toàn cầu
Hệ thống thương mại thế giới dựa trên luật lệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, thể hiện ở vai trò then chốt trong việc ứng phó đại dịch COVID-19.
Dự báo của WTO cho rằng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 9,2% vào năm 2020, sau đó sẽ tăng 7,2% vào năm 2021.
Báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng việc giảm giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2020 sẽ có mức kỷ lục kể từ năm 2009, song lĩnh vực dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất và giảm xuống mức từng thấy kể từ những năm 1990.
Điều này phản ánh sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu của người tiêu dùng đối với các dịch vụ nơi cường độ thương mại thấp trước những tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có.
Giao dịch sẽ tăng trở lại khi các biện pháp hạn chế COVID-19 giảm bớt, song khối lượng thương mại năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo một triển vọng không chắc chắn cho thương mại với nhiều "rủi ro giảm giá kéo dài" ảnh hưởng đến triển vọng thương mại toàn cầu.
Một số rào cản đối với thương mại được đưa ra trên khắp thế giới thời gian qua vẫn còn tồn tại. Hàng rào thuế quan và phi thuế quan vẫn ở mức cao và tiếp tục hạn chế thương mại toàn cầu.
OECD dự báo thương mại thế giới sẽ tiếp tục phục hồi chậm, tăng trung bình khoảng 4,25% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022.
Một điểm đáng chú ý của đại dịch COVID-19 là sự phục hồi mạnh mẽ bất ngờ của một số nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á.
Điều này cùng với vắcxin ngừa COVID-19 và việc có một cơ quan quản lý ủng hộ thương mại hơn ở Mỹ sẽ giúp hỗ trợ kỳ vọng của thị trường về sự phục hồi trong năm 2021.
Trong khi Mỹ và châu Âu quay cuồng với làn sóng COVID-19 mới, nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi đã phục hồi nhanh hơn nhiều.
Các giao dịch thương mại truyền thống đang tăng trở lại ở châu Á, đặc biệt là ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Đáng chú ý về sự phục hồi của châu Á là thương mại nội khối giữa các nền kinh tế thị trường mới trở thành động lực lớn cho sự phục hồi này. Đây không chỉ là câu chuyện của Trung Quốc mà đó là thương mại giữa châu Á-Thái Bình Dương (APAC) nói chung.
Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trở thành thị trường chính cho các nhà xuất khẩu ở các nước APAC khác.
Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, một thỏa thuận thương mại khu vực giữa 15 nước APAC, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thương mại nội khối và phản ánh những lợi thế mà Mỹ mang lại cho Trung Quốc - thành viên RCEP và là siêu cường mới nổi.
Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp cũng giúp các công ty và quốc gia có chủ quyền tái cấp vốn dễ dàng hơn, cung cấp một số hỗ trợ cho các hoạt động thị trường vốn khác của các tổ chức tài chính.
Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và hỗ trợ các doanh nghiệp do cuộc khủng hoảng COVID, khu vực tài chính có thể tạo ra kích thích tài chính và hậu cần cần thiết để đưa cuộc sống trở lại bình thường, đánh bại đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu mạnh mẽ.
Triển vọng thương mại toàn cầu 2021 vẫn còn có lý do lạc quan khác. Tiến bộ đối với vắcxin là một bước quan trọng để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và đầu tư trong suốt năm 2021, giúp khối lượng thương mại phục hồi về mức trước đại dịch.
Triển vọng hợp tác đa phương
Sự ra đời của WTO đánh dấu cuộc cải cách lớn nhất của thương mại quốc tế kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự rối loạn chức năng tại WTO có thể một phần là nguyên nhân gây ra xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, kéo dài hơn hai năm qua, và mở ra một thời kỳ cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống đắc cử Joe Biden từng nói rằng sẽ không tham gia vào "thương mại trừng phạt."
Mặc dù ông Joe Biden sẽ không ngay lập tức hủy bỏ thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận của ông Joe Biden với các đối tác thương mại khác của Mỹ có thể sẽ mang tính tập thể hơn.
Sự thay đổi chính quyền ở Washington DC có khả năng báo hiệu sự cải thiện trong các điều kiện giao dịch.
Vào đầu năm 2021, Tổng giám đốc mới của WTO lẽ ra phải được bổ nhiệm, đúng thời điểm hệ thống thương mại thế giới tham gia vào việc phân phối vắcxin ngừa COVID-19.
Mục tiêu cuối cùng của tiến trình tham vấn gồm 3 vòng trong thời gian 2 tháng, bắt đầu từ tháng 9/2020, là nhằm bảo đảm quyết định đồng thuận của các quốc gia thành viên về bổ nhiệm tân Tổng giám đốc WTO.
Tại tham vấn vòng 1 (từ 7-16/9/2020) tiến trình lựa chọn Tổng giám đốc WTO, các thành viên WTO đã giảm bớt còn năm ứng cử viên Tổng giám đốc.
Sau vòng 2, số ứng viên vào vòng cuối chỉ còn 2 là ứng viên là bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria và bà Yoo Myung-hee của Hàn Quốc.
Bà Okonjo-Iweala có nhiều khả năng đạt được sự đồng thuận, sau khi nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên WTO. Tổng cộng có 27 phái đoàn ngoại giao các nước đã ủng hộ ứng viên Nigeria, nhưng không có Mỹ.
Cuộc họp đại hội đồng dự kiến tháng 11/2020 để xem xét việc bổ nhiệm Tổng giám đốc WTO đã bị hoãn lại. Tuy nhiên, bất cứ ai chiến thắng sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức đáng kể, bao gồm việc phân loại chức năng giải quyết tranh chấp của WTO và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Cho dù sự hợp tác quốc tế trong thương mại thế giới chưa thể đảm bảo khi có sự lãnh đạo mới ở cả Mỹ và WTO, nhưng ít nhất cũng mang lại một số hy vọng về việc làm tan băng căng thẳng thương mại.
Thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi nhưng bất kỳ tiến bộ ngắn hạn nào đạt được đều phải thận trọng vì tác động của COVID-19 đối với thương mại vẫn đang diễn ra.
Nỗ lực hợp tác quốc tế thể hiện qua việc phát triển và triển khai các phương pháp điều trị và vắcxin ngừa COVID-19 phải được lặp lại ở cấp độ kinh tế.
Thực hiện nguyên tắc phân bổ công bằng sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi toàn cầu năm 2021 và triển vọng hợp tác đa phương sau đó. Các quốc gia cần áp dụng các chính sách tiền tệ, tài chính và thương mại tương tự trong quá trình phục hồi.
Thương mại thế giới sẽ phải chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" với những thách thức và rủi ro, song lý do lạc quan cho năm 2021 vẫn được đảm bảo khi các nền kinh tế phục hồi và chính sách thương mại có thể được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán thay vì thuế quan.
Sự lạc quan thận trọng về thương mại toàn cầu tiếp tục được bảo đảm với sự hợp tác quốc tế và triển vọng hợp tác đa phương để cùng giải quyết các vấn đề vướng mắc./.
Theo TTXVN