Thứ Bảy, 7/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 4/6/2018 5:0'(GMT+7)

Xác định rõ hơn vị trí, vai trò của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện

Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được thực hiện thông qua nhiều kênh, nhiều loại hình. Hệ thống các trường Chính trị (gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện khu vực, trường Chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện), được coi là hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên trách, chuyên sâu về những loại kiến thức này. Trong khi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trường Chính trị cấp tỉnh được tổ chức bài bản, theo quy định rõ, thống nhất trong cả nước thì TTBDCT cấp huyện ở mỗi địa phương lại có sự quan tâm, vận dụng khác nhau.

TTBDCT cấp huyện có vị trí: là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và ủy ban nhân dân cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Có các chức năng: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên thực tế TTBDCT cấp huyện là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng rất quan trọng, thực hiện nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Tất cả những ai muốn trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải trải qua các lớp tìm hiểu về Đảng, lớp lý luận cơ sở dành cho đảng viên mới do TTBDCT cấp huyện tổ chức. Đội ngũ chi ủy viên của các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở… được trung tâm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động.
Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo sơ cấp lý luận chính trị cho đảng viên; tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho các đối tượng khác nhau theo yêu cầu thực tế của mỗi địa phương…
Từ năm 1995 trở về trước, chúng ta chủ trương tổ chức hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến cấp huyện. Trường Đảng cấp huyện là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện. Cán bộ làm việc tại Trường Đảng huyện hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ làm việc tại các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy huyện. Đến ngày 3-6-1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII ban hành Quyết định số 100-QĐ/TW về việc “Tổ chức Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện”, theo đó, các trường Đảng cấp huyện được đổi tên thành TTBDCT cấp huyện. Đến ngày 3-9-2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành Quyết định số 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTBDCT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ban Tuyên giáo và Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn liên Ban số 29-HD/BTCTW-BTGTW ngày 27-7-2009, hướng dẫn thực hiện Quyết định 185. Ngày 4-3-2010, Ban Tuyên giáo Trung ương có Quyết định 1853-QĐ/BTGTW, ban hành Quy chế Giảng dạy và học tập của TTBDCT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đã làm rõ hơn vị trí, vai trò, vị thế của TTBDCT cấp huyện.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII vừa qua, thì tới đây, TTBDCT cấp huyện tiếp tục có sự điều chỉnh, sắp xếp lại. Mặt khác Quyết định 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTBDCT cấp huyện cũng đã ban hành được 10 năm, rất cần có sự tổng kết, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Từ thực tiễn hoạt động của TTBDCT cấp huyện những năm qua, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề rất cơ bản liên quan đến TTBDCT cấp huyện, cụ thể là:
Một là, TTBDCT cấp huyện là trường học hay là đơn vị sự nghiệp. Rất cần làm rõ tính đặc thù của loại hình cơ sở này. Từ đó quy định thống nhất về cơ chế hoạt động; chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác tại trung tâm cũng như học viên học tập tại trung tâm; sử dụng mẫu con dấu... Đồng thời, xác định cơ quan chủ quản thống nhất… không nên vừa trực thuộc huyện ủy, vừa trực thuộc UBND cấp huyện như hiện nay.
Hai là, tới đây, nên cân nhắc và tính đến tính thống nhất của tài liệu, giáo trình học tập lý luận chính trị để bảo đảm sự nhất quán trong phân tích, giải thích, truyền bá kiến thức lý luận trong cả hệ thống các trường chính trị từ Trung ương đến cấp huyện.
Ba là, việc cấp giấy chứng nhận kết quả đào tạo, bồi dưỡng tại TTBDCT cấp huyện và giá trị của các giấy chứng nhận đó như thế nào cần bảo đảm sự thống nhất chung. Thời gian vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương cùng đưa ra mẫu giấy chứng nhận học xong lớp lý luận cơ sở dành cho đảng viên mới. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất. Hoặc Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành văn bản quy định việc học chính trị phải từ thấp đến cao. Tức là phải học xong sơ cấp lý luận chính trị mới được học trung cấp lý luận chính trị, học xong trung cấp lý luận chính trị mới được học cao cấp chính trị. Nhưng trên thực tế một số loại hồ sơ, quy trình khác lại chưa thống nhất việc quy định này, nên trong thực tế bằng sơ cấp lý luận chính trị chưa thực sự có giá trị ràng buộc đảng viên phải học tập.
Bốn là, việc đào tạo, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại TTBDCT cấp huyện cần hợp lý hơn. Hiện nay các TTBDCT cấp huyện có số lượng giảng viên chuyên trách rất hạn chế, chỉ từ 2-3 giảng viên, bao gồm cả giám đốc, phó giám đốc trung tâm, còn lại chủ yếu sử dụng giảng viên kiêm chức. Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 vừa qua thì từ năm 2018 thống nhất bố trí đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc TTBDCT cấp huyện. Theo đó, số giảng viên chuyên trách sẽ tiếp tục giảm đi. Vấn đề đặt ra là bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đội ngũ giảng viên như thế nào để có thể duy trì hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng giảng dạy của TTBDCT cấp huyện khi trong đó chủ yếu là giảng viên kiêm chức.
Một trong những đặc thù rất cần quan tâm đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy tại TTBDCT cấp huyện, đó là: vừa truyền thụ cho người học những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa hướng dẫn về nghiệp vụ để học viên là chi ủy viên, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, hội nông dân, hội người cao tuổi… có kỹ năng xử lý những vấn đề của cuộc sống, của cộng đồng dân cư ngay từ thôn bản, tổ dân phố… Để làm được tốt, đòi hỏi giảng viên phải vừa nắm vững lý luận chính trị, vừa có vốn thực tiễn, giỏi chuyên môn, đồng thời lại có phương pháp sư phạm để truyền thụ kiến thức bớt trừu tượng, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ nhớ… Nhất là ở khu vực, địa bàn miền núi, một số học viên dự các lớp bồi dưỡng chủ yếu là nghe, việc ghi chép rất hạn chế.
Như vậy, để thực hiện một bài giảng có chất lượng với đối tượng học viên học ở TTBDCT cấp huyện là điều không dễ dàng. Những giảng viên tuổi đời còn trẻ, chưa dầy dạn, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều thì càng khó khăn hơn. Đây là điều cần làm rõ về cả tiêu chuẩn và chế độ chính sách để động viên, thu hút những người có kinh nghiệm, người giỏi, từng trải ở địa phương tham gia giảng dạy ở các TTBDCT cấp huyện.
Năm là, tiếp tục xác định rõ vị trí, vai trò của TTBDCT cấp huyện; coi đó là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Theo đó, cần có quy định thống nhất khi đưa các loại hình lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xã, thôn, tổ dân phố về TTBDCT cấp huyện. Khắc phục tình trạng ngành nào có dự án thì tự mở lớp tập huấn, dẫn đến hiện tượng cũng là cán bộ xã, thôn nhưng đi tập huấn các dự án thì chế độ đãi ngộ cao, còn đi dự các lớp bồi dưỡng ở TTBDCT thì chế độ lại thấp, dẫn đến sự mất công bằng.
Để TTBDCT cấp huyện tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đội ngũ đảng viên của Đảng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu, làm rõ để chuẩn hóa, thống nhất chung trong thời gian tới đây.

Đỗ Văn Lược, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

______________________________

 

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 5/2018

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất