Cần xây dựng đội ngũ những người làm báo có kỹ năng, kiến thức nền, đặc biệt nền tảng về lý luận chính trị vững vàng, cùng với đó là vai trò của người lãnh đạo, chỉ đạo cần được nêu cao hơn nữa.
Đây là vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu nêu ra tại Tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin-Truyền thông và Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 24/10.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chi Minh Tất Thành Cang cho rằng, quá trình xây dựng đất nước rất cần sự tham gia của báo chí; đồng thời đề nghị, trong công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt giữa xây và chống, trong đó xây dựng là chính và trong xây có chống, chống những điều cản trở sự phát triển đất nước, thói hư tật xấu, hủ tục lạc hậu…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan như nhận thức về vai trò của đạo đức nghề nghiệp người làm báo khi thông tin về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; những tiêu chí đạo đức nghề nghiệp và cách ứng xử mà người làm báo cần quan tâm khi thông tin về những vấn đề “nóng”, vấn đề “nhạy cảm;” những bất cập, hạn chế trong thực thi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo khi thông tin về vấn đề dư luận quan tâm; những vi phạm đạo đức phổ biến của người làm báo trong quá trình tác nghiệp.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong tình hình hiện nay, để trở thành nhà báo giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, mỗi nhà báo cần phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện, trình độ chính trị, kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, rèn luyện đạo đức, phong cách, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Muốn làm được như vậy, nhà báo cần bám sát cuộc sống, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, phản ánh thành tựu trong lao động sản xuất, sự năng động sáng tạo trong xây dựng, bảo vệ đất nước, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, trì trệ, yếu kém.
Để nâng cao chất lượng thông tin, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng Lê Tiền Tuyến cho rằng, phải trở lại vấn đề căn cốt của báo chí cách mạng: “Trung thực trong thông tin.” Bất cứ cơ quan báo chí nào cũng phải đảm bảo quy trình xuất bản, cần ra soát, thẩm định kỹ tính chính xác của thông tin nhằm tránh tình trạng cạnh tranh đưa tin nhanh để thu hút bạn đọc nhưng sai sự thật.
Nhấn mạnh vấn đề nêu gương của lãnh đạo các cơ quan báo chí, Đại tá Trần Trọng Dũng, Tổng Biên tập Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đạo đức báo chí có được thực hiện hay không, nhất là trong kỷ nguyên số phụ thuộc một phần rất quan trọng vào Ban biên tập mà cụ thể là Tổng biên tập. Người đứng đầu cơ quan báo chí không chỉ có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn sâu rộng, khả năng quản lý điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức; phải thể hiện quan điểm chỉ đạo tờ báo luôn giữ đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến thống nhất, muốn phát huy đạo đức nghề báo phải xây dựng, quản lý cơ quan báo chí ngày càng ổn định, nền nếp, kỷ cương. Các cơ quan báo chí phải xác định rõ tôn chỉ, mục đích, đối tượng chủ yếu của tờ báo. Bên cạnh đó, phải quan tâm thường xuyên công tác xây dựng Đảng và đoàn thể. Đạo đức nghề nghiệp của phóng viên, biên tập viên phải được giám sát từ nhiều phía thông qua hoạt động tổ chức Đảng, các đoàn thể trong cơ quan báo chí.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Thân Thị Thư cho rằng, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, đội ngũ những người làm báo của thành phố luôn tự hào về công sức và sự đóng góp của mình. Báo chí kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những sáng kiến, nguyện vọng của người dân.
Báo chí là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, làm cầu nối giữa ý Ðảng với lòng dân. Từ đó, bà Thân Thị Thư nhấn mạnh, báo chí không chỉ phản ánh dư luận, tham gia phản biện xã hội, mà quan trọng hơn là góp phần cùng Đảng, Nhà nước định hướng đúng dư luận; nhất là ở khu vực có hoạt động báo chí mạnh mẽ, sôi động nhất cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh.
Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay, bà Thân Thị Thư cho rằng, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, cần tăng cường việc xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng nhằm kiểm soát hoạt động của cơ quan báo chí mình phụ trách, có chế tài nghiêm minh để xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của báo chí; xử lý nghiêm và kịp thời những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa rời tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí. Đối với đội ngũ những người làm báo, cần chú trọng hơn nữa trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội./.
Anh Tuấn/TTXVN