Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 14/8/2012 21:4'(GMT+7)

Xây dựng chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp với Nhật Bản

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 - Ảnh: VGP/Nguyên Linh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 - Ảnh: VGP/Nguyên Linh.

Bộ trưởng  Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki, đại diện các tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản tại Việt Nam tham dự cuộc họp.

5 ngành công nghiệp có tiềm năng hợp tác lớn

Theo đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, bản Chiến lược là bước hiện thực hoá quan trọng Tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước vào tháng 10/2011, theo đó, phía Việt Nam hy vọng rất cao vào sự hợp tác và giúp đỡ của Nhật Bản trong việc hình thành và thực hiện chính sách và các hành động liên quan tới công nghiệp hoá của Việt Nam tới năm 2020.

Dựa trên danh mục 28 ngành công nghiệp được quy hoạch phát triển của Việt Nam, 5 ngành công nghiệp chiến lược có tiềm năng hơn cả, đáp ứng tốt các tiêu chí, nhu cầu đầu tư của hai bên đã được lựa chọn gồm: điện-điện tử, chế biến thực phẩm, đóng tàu, máy nông nghiệp, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh 5 ngành ưu tiên nêu trên, hai bên đang cân nhắc thêm 4 ngành có tiềm năng khác bao gồm: sản xuất xe máy và dệt may, thép chế tạo và sản xuất ô tô.

Cùng với đó, các cơ quan cũng xây dựng những kế hoạch hành động, nhóm giải pháp và đặc biệt là đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, tập trung phát triển trong hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano cho biết, phía Nhật Bản cam kết tham gia tích cực và hỗ trợ trong việc thống nhất hình thành bản Chiến lược cũng như các kế hoạch hành động cụ thể tiếp theo. Trước mắt, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tích cực hỗ trợ để thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát cần thiết phục vụ cho nội dung làm việc, thảo luận. Phía Nhật Bản cũng sẽ tích cức tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng đang có ý định đầu tư mới vào Việt Nam và chia sẻ các thông tin với cơ quan liên quan của Việt Nam.

Cơ bản tán thành với dự thảo Chiến lược hợp tác, ông Yukio Edano cho rằng Nhật Bản sẽ luôn ủng hộ cao đổi với việc đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trong các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao vốn là hướng phát triển ưu tiên của công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cũng như các dự án có công nghệ bền vững, bảo vệ môi trường.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki cũng bày tỏ mong muốn hai bên sớm thống nhất danh mục, tiêu chí các ngành công nghiệp cơ bản tới các phân ngành và tạo ra các cơ chế điều phối giữa các cơ quan quản lý nhằm thực hiện các bước đi chắc chắn của kế hoạch hành động cũng như cơ chế phản ánh, giám sát kế hoạch sau này.

Trình phê duyệt Chiến lược hợp tác trong tháng 11/2012

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo sớm thống nhất về tên gọi, phạm vi của bản Chiến lược; làm việc với các đối tác phía Nhật Bản thống nhất về các nhóm ngành cơ bản, có xem xét, nghiên cứu thêm một số ngành nữa, nhất là lĩnh vực phù hợp với xu thế tất yếu trong sản xuất, xuất khẩu hiện nay để tháng 11/2012 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, tạo điều kiện xây dựng các kế hoạch hành động, giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy hợp tác công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. 

Phó Thủ tướng lưu ý cơ quan soạn thảo bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cũng như các chủ trương ban hành bản Chiến lược, đó là thống nhất xác định một số ngành hợp tác, hợp tác với phía Nhật Bản nhằm xây dựng các ngành công nghiệp chiến lược, các kế hoạch hành động, các cơ chế, chính sách để thực hiện,

Bản dự thảo Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản dự kiến sẽ được tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi cũng như các bước thẩm định của các bộ, ngành liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chuẩn bị về mặt tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo để tạo điều kiện xây dựng, triển khai Chiến lược được hiệu quả.

Nguyên Linh- Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất