Chiều 13/8, tiếp tục phiên họp lần thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về việc ban hành các nghị định quy định liên quan tới các nghi lễ nhà nước.
Đó là Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài và Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về chủ trương ban hành Nghị định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài của Chính phủ.
Việc ban hành Nghị định nhằm bảo đảm những quy định về nghi lễ nhà nước trong tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài được thực hiện một cách thống nhất, khoa học, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và thông lệ quốc tế, phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài đã được quy định tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 của Chính phủ về Nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài và Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 9/8/2004 của Chính phủ về Nghi thức Nhà nước trong tổ chức míttinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, huân chương, huy chương, cờ thi đua của Chính phủ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy vậy, thời gian qua, có hiện tượng một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, lễ đón nhận phần thưởng nhà nước có biểu hiện phô trương, hình thức, gây lãng phí về thời gian, tiền của. Thời gian tổ chức không chỉ vào năm tròn, năm chẵn, mà cả vào năm lẻ, tạo sự ganh đua thiếu lành mạnh. Việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa, mời khách thiếu thống nhất, lộn xộn, rườm rà, không đúng tinh thần trang trọng, tiết kiệm, chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của hai nghị định nêu trên.
Một số hoạt động kỷ niệm không những không mang lại tác động tích cực mà còn gây dư luận bất bình trong nhân dân. Một số hoạt động kỷ niệm các sự kiện quốc tế, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, ngày văn hóa các nước tại Việt Nam… được tổ chức thiếu tính chuyên nghiệp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, một số quy định trong hai Nghị định này thiếu cụ thể, còn nhiều bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, bố cục và đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định.
Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu, xây dựng nội dung Nghị định trên nguyên tắc không trái với các quy định của Luật Thi đua khen thưởng, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Thông báo số 334-TB/TW ngày 10/5/2010 về kết luận của Bộ Chính trị về “Đề án tổ chức các ngày kỷ niệm và nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khen thưởng cao” và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị “về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.
Nhiều ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên có quy định mang tính nguyên tắc bổ sung vào Nghị định để việc tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khen thưởng khác được đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém… nhưng vẫn mang tính truyền thống.
Cũng trong chiều 13/8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiệm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân nên tổ chức dưới hình thức lễ tưởng niệm, đảm bảo tính trang trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phân biệt với hình thức tổ chức quốc tang đối với cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cách thức tổ chức lễ tưởng niệm nên đơn giản, phù hợp với chủ trương đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương lãng phí…
Về địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng do tính chất từng thảm họa khác nhau, có thể là thảm họa thiên nhiên hoặc do sự bất cẩn của con người, do vậy địa điểm tổ chức chính thức có thể làm tại địa phương - nơi xảy ra thảm họa, tùy theo tính chất của từng sự kiện.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc làm rõ thêm khái niệm, thời gian, tên gọi, căn cứ để quyết định việc quốc tang; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về vấn đề này trong quá trình xây dựng Nghị định./.
(TTXVN)