Thứ Năm, 21/11/2024

Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với công việc, với đồng chí, đồng nghiệp

Quán triệt quan điểm đó của Người, trong tình hình mới, cần xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với công việc, đồng chí, đồng nghiệp để dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.

CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CÔNG VIỆC HIỆN NAY

Truyền thống của dân tộc Việt Nam đã tạo dựng đức tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo và trở thành chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tư cách một người cách mạng, làm việc phải: “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(5).

Hiện nay, trong mối quan hệ với công việc, tinh thần đó phải được phát huy, phát triển, chuẩn mực đạo đức đó của cán bộ, đảng viên là: “Đổi mới, năng động, thông minh, sáng tạo, vượt khó, ham học hỏi, sống và làm việc theo pháp luật”.

Đổi mới, bắt nguồn từ công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đổi mới, nhưng không bắt chước, không sao chép bất cứ mô hình có sẵn nào, với tinh thần độc lập, tự chủ, thông minh, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Đảng ta đã đề ra chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy, trong đó coi trọng đổi mới tư duy về kinh tế, trên cơ sở lấy “dân là gốc”. Công cuộc đổi mới đã thu được nhiều nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo thế và lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó đã tạo dựng một chuẩn mực cho mỗi cán bộ, đảng viên làm gì, trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng phải đổi mới. Tinh thần đổi mới là một chuẩn mực đạo đức đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên trong công việc hiện nay.

Năng động, sáng tạo, thông minh, vượt khó, đã trở thành chuẩn mực đạo đức phấn đấu và đánh giá mức độ lao động của cán bộ, đảng viên hiện nay. Năng động, sáng tạo, thông minh, vượt khó thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của cán bộ, đảng viên không chỉ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mà còn thể hiện ở các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp (sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, khai khoáng (than, dầu khí), cầu, đường (hầm vượt đèo, vượt sông kỹ thuật cao); y học; quốc phòng; an ninh và đối ngoại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu đó đã và đang trở thành động lực hành động cụ thể của mỗi ngưòi dân đang hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi người đang ra sức làm giàu cho mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng và cho đất nước - Dân giàu thì nước mạnh. Hơn nữa, chỉ số thông minh của người Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội không thua kém bất cứ chủng tộc người nào trên thế giới.

Ham học hỏi, cầu tiến bộ, là một phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập có chọn lọc kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân loại, Đảng ta đã đề ra đường lối và lãnh đạo công cuộc đổi mới thành công. Công cuộc đổi mới đã khơi dậy, thúc đẩy đức tính ham học hỏi, cầu tiến bộ trong toàn xã hội, trong mỗi cán bộ, đảng viên phát triển. Ham học hỏi, cầu tiến bộ thể hiện rõ trong tiếp thu khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Học hỏi, cầu tiến bộ để đổi mới cách nghĩ, cách làm, để thoát nghèo và làm giàu chính đáng, hợp pháp. Ham học hỏi của mỗi người là cơ sở để phấn đấu cho một xã hội học tập. Vì thế, ham học hỏi, cầu tiến bộ, là chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công việc hiện nay.

Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, là một chuẩn mực trong hoạt động và sinh hoạt xã hội, trong các quan hệ xã hội ở nước ta hiện nay. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời nó phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, các quan hệ xã hội và các hoạt động xã hội dựa trên những quy định chặt chẽ của pháp luật. Các luật đã được thực thi trong hiện thực đời sống xã hội. Cùng với xây dựng hệ thống pháp luật, chính quyền các cấp được củng cố và tăng cường hiệu lực quản lý kinh tế, xã hội, thực sự là một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trong đó, dân chủ xã hội từng bước phải được thực hành rộng rãi và có hiệu quả. Vai trò làm chủ xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày một nâng cao. Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền đã nâng dần trình độ nhận thức và hành vi chấp hành pháp luật của các tầng lớp trong xã hội, mọi người đã có ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Quy chế dân chủ ở cơ sở cần đi vào nền nếp. Tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra phải được phát huy trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, ý thức công dân về quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định pháp luật phải được định hình, phát triển, phát huy tác dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, là chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công việc hiện nay.

Công chức Cục Thuế tỉnh Đồng Nai hướng dẫn thủ tục cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh.

Công chức Cục Thuế tỉnh Đồng Nai hướng dẫn thủ tục cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh.

CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG NGHIỆP HIỆN NAY

Trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, với cấp trên, với cấp dưới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Tư cách một người cách mạng, đối với người phải: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người”(6).

Từ lời dạy đó, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp hiện nay cần xây dựng, đó là: “Yêu thương, đoàn kết, ý thức cộng đồng, sống có nghĩa tình, trung thực, nhân ái, ứng xử có văn hoá, độc lập tự chủ, phát huy nội lực”.

Yêu thương đồng chí, đồng đội, là chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp hiện nay. Chuẩn mực đó phản ánh mối quan hệ của những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bao gồm các mối quan hệ đồng chí, đồng đội cấp trên, cấp dưới, thể hiện tình cảm giữa người với người trong một tổ chức. Đây là tình cảm yêu thương giữa người với người trên tinh thần giai cấp, cùng chung mục tiêu, lý tưởng; là tình cảm thương yêu gắn bó với nhau như anh em; là sự “chia ngọt xẻ bùi”, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đoàn kết là chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp hiện nay. Đoàn kết đó là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, một giá trị tinh thần bền vững, một điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển trường tồn của dân tộc ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kế thừa truyền thống dân tộc, tinh thần cộng đồng theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” đã được định hình, phát huy, tạo thành sức mạnh to lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng đất nước. Đoàn kết trên cơ sở thống nhất mục tiêu, lợi ích cơ bản giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng, nhằm phát huy sức mạnh của cả cộng đồng, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Yêu nước, đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước đã trở thành triết lý sống của dân tộc ta, là đạo lý của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.

Ý thức cộng đồng dựa trên sự cố kết về lợi ích, là một chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, với cấp trên, với cấp dưới hiện nay. Với tinh thần làm chủ tập thể, trong mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp càng phải đoàn kết một lòng, ra sức thực hiện nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất trên cơ sở thống nhất về lợi ích. Sự thống nhất lợi ích tạo sự đồng thuận trong xã hội ta và trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người dân đều ý thức rằng, đất nước có hoà bình, ổn định thì họ mới có điều kiện làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Lợi ích của các tầng lớp xã hội gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Lá lành đùm lá rách, để chung sức, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần thương người như thể thương thân, cưu mang giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, điều đó đã trở thành một chuẩn mực đạo đức hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam hiện nay. Hướng về cội nguồn, không chỉ trong tâm thức mà cả trong hành vi của mọi người dân nước Việt dù sống trong nước hay ngoài nước. Điều đó không chỉ nhắc nhủ mọi người nhớ về cội nguồn và thực hành hành vi tín ngưỡng có văn hóa mà còn để nhắc nhở mọi người phải cùng nhau giữ gìn các giá trị văn hoá dân tộc, từ đó bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu quê hương, đất nước của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.

Sống có nghĩa tình, trung thực, nhân ái, ứng xử có văn hoá, là một trong những đặc trưng làm nên bản chất đạo đức của con người Việt Nam. Một người có đạo đức phải là người sống có nghĩa tình, nhân ái, trung thực, ứng xử có văn hoá. Sống có nghĩa tình, trung thực, nhân ái, ứng xử có văn hoá của cán bộ, đảng viên hiện nay thể hiện ở tinh thần tôn trọng làm giàu chính đáng, khinh ghét làm giàu không chính đáng; trọng đạo lý, uống nước nhớ nguồn; sống lương thiện, thuỷ chung với ban bè, vị tha với những lỗi lầm của người thân hoặc đồng loại, dần xoá bỏ những định kiến với kẻ đã xâm lược nước ta. Khuyến khích, tôn trọng làm giàu chính đáng, khinh ghét làm giàu không chính đáng. Trong các tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của con người, tính trung thực được đặt lên hàng đầu. Thiếu trung thực sẽ dẫn đến suy thoái về đạo đức, dẫn đến dối trá, lừa lọc, đạo đức giả. Khuyến khích, tôn trọng những người làm giàu chính đáng, căm ghét làm giàu không chính đáng là biểu hiện về lòng trung thực, nhân nghĩa trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Nhân ái, trọng đạo lý, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” luôn luôn được đề cao. Trọng đạo lý, uống nước nhớ nguồn đã và đang là chuẩn mực sống của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Ứng xử có văn hóa, vì văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Quá trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là quá trình xây dựng, phát triển đức tính nhân nghĩa, ứng xử có văn hoá trong xã hội nước ta. Sống lương thiện, thuỷ chung với bạn bè, vị tha với những lỗi lầm của người thân hoặc đồng loại, dần xoá bỏ những định kiến với kẻ đã xâm lược nước ta. Vì thế, ứng xử có văn hoá, là một chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp hiện nay.

Độc lập tự chủ, phát huy nội lực, là một chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp hiện nay. Với tinh thần độc lập tự chủ, phát huy tối đa nội lực là nội dung để kết hợp tinh thần dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế trong thời kỳ mới. Chúng ta phải tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để có môi trường hoà bình và điều kiện quốc tế thuận lợi, chúng ta phải kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực. Hội nhập quốc tế và khu vực là một yêu cầu khách quan hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, càng phải chủ động hội nhập, phải giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy tối đa nội lực. Thực lực có đủ mạnh là cơ sở để tranh thủ lợi thế so sánh nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo vệ độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường hòa bình để phát triển. Tính năng động của cán bộ, đảng viên càng phải được khơi dậy, phát huy; tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường trỗi dậy sẽ trở thành nguồn động lực to lớn phát huy mọi nguồn lực khác của cả dân tộc để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các quan hệ ở trong nước cũng như các quan hệ quốc tế, tinh thần tự lực, tự cường luôn là ý thức thường trực của người Việt Nam và của cán bộ, đảng viên càng phải được đề cao. Mỗi người đều nhận thức rằng, không độc lập tự chủ, tự lực tự cường phát huy mọi nguồn lực trong nước sẽ không thể hội nhập quốc tế. Chỉ có trên tinh thần độc lập tự chủ, phát huy nội lực mới có cơ sở để tận dụng mọi điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, dưới sự tác động của tình hình, chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam có sự vận động và biến đổi, xu hướng tích cực, tiến bộ đan xen với xu hướng tiêu cực, phản tiến bộ, trong đó xu hướng tiến bộ, tích cực giữ vai trò chủ đạo. Đó là cơ sở cho việc hình thành chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam hiện nay. Vì vậy, xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên nói chung và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với công việc, với đồng chí, đồng nghiệp, với cấp trên, với cấp dưới nói riêng hiện nay là cần thiết. Để xây dựng chuẩn mực đó, một mặt, phải “chống nguy cơ sai lầm về đường lối, sai lầm về lựa chọn và bố trí cán bộ”(7), bố trí cán bộ phải phù hợp với nhiệm vụ, chức trách, “kịp thời thay thế những cán bộ, công chức yếu kém và thoái hoá”(8). Mặt khác, phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý”(9). Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân”(10) cán bộ, đảng viên “phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình”(11)./. 

Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển

Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

 

 

  (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.1, tr.27.

(2) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65, 40.

(3)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.612.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr.53.

(5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.281, 280.

(7)  Đổi mới và phát triển ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Báo Nhân dân, ngày 13/6/2006.

(8)  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr 135.

(9)  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2012, tr. 26.

(10)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.222.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất