Thứ Năm, 21/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 20/11/2019 9:0'(GMT+7)

Xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng đổi mới, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trò chuyện với các đại biểu là những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vui mừng nhận thấy công tác giáo dục nghề nghiệp đã khẳng định vững chắc vai trò và vị thế trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động và phát triển bền vững đất nước.

Biểu dương những thành tích mà giáo dục nghề nghiệp đã đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, giáo dục nghề nghiệp nước ta đang gặp nhiều thách thức lớn như: Chất lượng lao động còn thấp; trình độ, kỹ năng nghề của nhà giáo nhìn chung còn hạn chế; tỷ lệ nhà giáo vừa dạy được lý thuyết vừa dạy thực hành thấp; trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ nhà giáo thấp đã hạn chế khả năng cập nhật công nghệ mới, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học; kỹ năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu cho đào tạo còn yếu… 

"Sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật làm thay đổi yêu cầu về năng lực của người lao động, đòi hỏi các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp phải thích ứng với những yêu cầu mới về chất lượng lao động, của thị trường lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 65% đến 70%" - Phó Chủ tịch nước chỉ rõ.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Phó Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và coi đây là giải pháp đột phá để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong những năm tới.

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thời gian tới phải quy hoạch lại hệ thống trường lớp, các cơ sở đào tạo và từng bước trang bị những kỹ thuật hiện đại tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng đổi mới, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả”, Phó Chủ tịch nước đề nghị.

Phó Chủ tịch nước cũng mong mỗi thầy, cô giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục phát huy thành tích đạt được, kiên định vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong công việc, luôn tận tâm, yêu nghề, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo để góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa chúc mừng các nhà giáo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hiện nay, cả nước có gần 87.000 nhà giáo đang giảng dạy ở 2.957 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên cả về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm. Trong đó, toàn bộ nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Khoảng 70% số nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành, dạy tích hợp. Số lượng nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy 34 nghề nhận chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức, giai đoạn 2014-2019 là 582 nhà giáo.

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề để hướng tới giảng dạy tích hợp; trình độ ngoại ngữ, tin học để cập nhật, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào giảng dạy... Chế độ, chính sách cho nhà giáo đã được chú trọng nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm nhằm thu hút những người có năng lực, trình độ, tay nghề cao tham gia vào giáo dục nghề nghiệp...

 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất