PV: Thưa Tổng Kiểm toán nhà
nước, xin ông cho biết những định hướng và những nhiệm vụ trọng tâm của
Kiểm toán Nhà nước trong năm 2024?
Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước xác
định phương hướng năm 2024 là: “Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện
Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 và Quy định số
131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực,
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi
hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thi đua lập
thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước; tăng
cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt
động kiểm toán, đặc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết
toán ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu lực kết luận và kiến nghị kiểm
toán; tiếp tục phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu,
hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử
dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
tiêu cực”.
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước vạch ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cần triển
khai thật hiệu quả. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước sẽ phấn đấu hoàn thành
xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục triển khai các
hoạt động theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà
nước đến năm 2030 đạt kết quả tốt; tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán
thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2024 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất
lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính và
ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công
vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức
và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; củng cố, kiện toàn bộ máy đảm bảo
tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ quyền
lực trong hoạt động của Ngành; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng, đảm bảo thiết thực, đúng nhu cầu. Tiếp tục củng cố,
phát huy vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và tăng
cường năng lực hội nhập thông qua việc đảm nhiệm tốt các cương vị, hoàn
thành tốt các nhiệm vụ trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao
quốc tế và khu vực.
Cùng với việc triển khai công tác thông tin, truyền thông một cách
chuyên nghiệp, hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước sẽ khích lệ, động viên công
chức, viên chức, người lao động gìn giữ và phát huy truyền thống của
Ngành thông qua việc tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà
nước (11/7/1994 - 11/7/2024) trang trọng, tiết kiệm.
PV: Tiếp nối thành công trong năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước có chỉ
đạo cụ thể gì đối với hoạt động kiểm toán của toàn Ngành trong năm 2024?
Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, năm 2024, Kiểm toán Nhà nước tiếp
tục hành động theo phương châm “gọn nhưng chất lượng”. Để đảm bảo yếu
tố “gọn”, Kế hoạch kiểm toán năm 2024 đã được ban hành với 121 nhiệm vụ,
giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực
để kiểm toán báo cáo quyết toán các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương
với mục tiêu kiểm toán từ 80-90% báo cáo quyết toán, cũng như đảm bảo
chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành, trong đó kiểm toán
chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin đạt tỷ lệ 27% tổng
số nhiệm vụ kiểm toán.
Để đảm bảo yêu cầu “chất lượng”, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo
toàn Ngành tập trung xây dựng phương án tổ chức kiểm toán khoa học, lồng
ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu
mối đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo; đồng thời giảm thiểu tác động
và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của
đơn vị được kiểm toán. Việc bố trí nhân sự tham gia đoàn kiểm toán, tham
gia thảo luận dự toán ngân sách nhà nước phải đảm bảo đạt mục tiêu
“chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”.
Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn;
nâng cao chất lượng khảo sát lập kế hoạch của cuộc kiểm toán để thu thập
đầy đủ thông tin, phân tích, đánh giá đúng các rủi ro, xác định trọng
yếu kiểm toán sát thực; cũng như bám sát kế hoạch, đề cương giám sát, ưu
tiên triển khai sớm các đoàn kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám
sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước sẽ chú trọng nâng cao trách nhiệm của đơn
vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong quá trình thực hiện kiểm toán chuyên
đề, đảm bảo xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc, phát sinh nhằm đạt được
mục tiêu báo cáo kiểm toán phát hành có chất lượng cao, phản ánh đúng
thực tế những mặt đạt được cũng như những bất cập, hạn chế, yếu kém và
đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không phù hợp; đưa ra
những kiến nghị để Quốc hội, Chính phủ có thêm căn cứ quyết định chính
xác những vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó nâng cao hơn nữa vai
trò và vị thế của Kiểm toán Nhà nước.
Song song với đó, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng
hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng
cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà
nước, đặc biệt các chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh
tế - xã hội nhằm phát hiện các bất cập để kiến nghị hoàn thiện, khắc
phục lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; nâng cao
chất lượng ý kiến về dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước để Quốc hội
quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm và
Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách địa
phương.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục nâng
cao chất lượng thẩm định hội đồng cấp Vụ, cấp Ngành đối với dự thảo Kế
hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán; coi trọng công tác thu thập thông
tin, bằng chứng kiểm toán; bám sát các quy định của pháp luật để kiến
nghị cho trúng, đúng, chặt chẽ, khả thi. Hơn nữa, trong quá trình kiểm
toán, cần tăng cường phối hợp, lắng nghe ý kiến giải trình của đơn vị để
củng cố đầy đủ bằng chứng trước khi đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm
toán.
PV: Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã tiếp thêm động lực cho
Kiểm toán Nhà nước hành động quyết liệt để kiểm soát quyền lực, phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Trong năm 2024,
Kiểm toán Nhà nước sẽ làm gì để cụ thể hóa những yêu cầu mà Quy định số
131/QĐ/TW đặt ra, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Trước hết, ngay trong nội bộ Ngành, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường
giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề
nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, thực hiện nghiêm Quy định số
131-QĐ/TW, đảm bảo xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước phải “pháp
luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên
quan tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất của người
Kiểm toán viên nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.
Đề cao vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh
tra, kiểm tra của từng cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động
công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa hành vi tiêu cực,
tham nhũng, lãng phí trong nội bộ Ngành. Tiếp tục chú trọng kiểm soát
tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán, chỉ rõ những bất cập
trong kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán, đảm bảo các kết luận,
kiến nghị kiểm toán phải đầy đủ bằng chứng, rõ ràng và đúng quy định của
pháp luật.
Đặc biệt, phát huy vai trò là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trong
đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm
toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời các
thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ đắc lực cho công tác chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương,
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Hội đồng
nhân dân các cấp.
Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát
hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kịp
thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý những vụ việc có
dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân
đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán nhằm đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển
đổi số, đề cao tính khách quan, minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán
và kết quả kiểm toán; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận
và kiến nghị kiểm toán, kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý
nghiêm các trường hợp không thực hiện; cũng như đẩy mạnh việc công khai
kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực
hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo quy định.
Từ hiệu quả thực tiễn đã mang lại, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng
cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương nhằm kiểm tra, giám
sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán, xử lý,
tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán,
kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động
kiểm toán sẽ mang lại những kết quả tích cực cho Kiểm toán Nhà nước
trong năm 2024, năm đặc biệt kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà
nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!
ĐỖ BÌNH (TTXVN)