(TG)- Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Bộ Thông
tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực
lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; gắn xây dựng tổ chức đảng
với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Ngày 20/8 tại Hà Nội, 183 đại biểu đại diện cho trên 1.300 đảng viên trong toàn Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IV, nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; gắn xây dựng tổ chức đảng với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu của công tác chính trị tư tưởng; triển khai quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng theo hướng thiết thực, coi trọng xây dựng chương trình hành động và kiểm tra thực hiện, chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Đảng bộ thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội; duy trì và tổ chức tốt các hội nghị báo cáo viên, nhất là ở cơ sở để cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên.
Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các tổ chức đảng và từng đảng viên nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), gắn với việc quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và của từng tổ chức cơ sở đảng…
Trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí, ngành Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước về thông tin đại chúng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong tình hình mới. Ngành đẩy mạnh việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí; đồng thời chủ động triển khai Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ những người làm báo.
Song song với tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, ngành đẩy mạnh việc rà soát, chấn chính những bất cấp trong hoạt động liên kết, đem lại sự lành mạnh, hiệu quả cho hoạt động xuất bản, đồng thời khôi phục và xây dựng mạng lưới phát hành sách tại miền núi, vừng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, ưu tiên phát triển xuất bản phẩm điện tử.
Ngành đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào quản lý, khai thức, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và toàn bộ nền kinh tế, coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từng ngành, từng lĩnh vực…
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành thông tin và truyền thông tiếp tục phát triển, hội nhập thành công với khu vực và thế giới.
Lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử và thông tin đối ngoại đã hoạt động đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế; đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ tình hình chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; về việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…. Bên cạnh đó, đã phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, góp phần củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân, chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều, toàn diện và nổi bật về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; bưu chính, viễn thông; công nghệ thông tin có những bước phát triển; công tác phát hành xuất bản phẩm được xã hội hóa, thu hút được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia; mạng lưới bưu chính công cộng phát triển ổn định, góp phần quan trọng vào việc cung cấp các dịch vụ bưu chính cơ bản, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, sự phát triển kinh tế -xã hội và nhu cầu thông tin của người dân…/.
Nguyễn Bích Thủy