(TG)-Theo dự thảo Báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), tốc độ biến đổi khí
hậu gia tăng theo hướng cực đoan hơn so với các đánh giá trước đây, đặc
biệt là các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ cao gia tăng
mạnh mẽ.
Ngày 23-8, Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Cơ sở khoa học xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam – phiên bản 2015”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường nhấn mạnh: để triển khai thực hiện nhiệm vụ cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam, trong bối cảnh Ban Liên Chính phủ về BĐKH chuẩn bị công bố báo cáo lần thứ 5 (AR5), Viện tổ chức hội thảo tham vấn “Cơ sở khoa học xây dựng kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam – phiên bản 2015”. Kết quả tham vấn của Hội thảo này, không chỉ là về cơ sở khoa học mà còn cả về kế hoạch chi tiết xây dựng kịch bản năm 2015, sẽ là thông tin quan trọng để Viện trình Bộ Tài nguyên và Môi trường kế hoạch thực hiện trong năm 2014.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là nước biển dâng. Nhận thức rõ tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như những cơ hội do biến đổi khí hậu có thể mang lại, đồng thời xác định việc ứng phó với BĐKH có ý nghĩa sống còn với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2008), Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu (năm 2011), Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 (năm 2012). Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013 về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các văn kiện quan trọng trên đây cùng với những hoạt động ứng phó với BĐKH trên quy mô cả nước đã thể hiện chủ trương, chính sách, nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Trong tất cả các Văn kiện Quốc gia về BĐKH, một nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh nhiều lần là xây dựng các kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012 -2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thực hiện nhiệm vụ “cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam để công bố vào các năm 2015-2020”. Thời gian thực hiện vào các năm 2014-2015 và 2019-2020.
Trên thực tế, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam vào năm 2009 và cập nhật vào năm 2011. Các kịch bản BĐKH được xây dựng dựa trên kịch bản phát thải khí nhà kính và kịch bản BĐKH toàn cầu của IPCC, đồng thời với việc áp dụng nhiều mô hình và công nghệ tính toán tiên tiến của Vương quốc Anh, Australia, New Zeland, Nhật Bản, Mỹ… Kịch bản BDDKH là một cấu thành quan trọng của quá trình đánh giá tác động của BĐKH, phục vụ cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động tiềm tàng của BĐKH.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe TS. Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng, Khí hậu của Viện giới thiệu kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong báo cáo lần thứ 5 của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). TS. Jack Katzfey, Trung tâm nghiên cứu khí hậu và thời tiết Úc, Dự án Việt – Úc trình bày về dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường trình bày cơ sở khoa học và kế hoạch cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam – phiên bản 2015.
Theo đó, dự tính nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng lên từ 0.3-0.7 độ C trong tương lai gần và có thể đến 4 độ C ở kịch bản cao nhất vào cuối thế kỷ 21. Lượng mưa sẽ có thay đổi trong bối cảnh nóng lên toàn cầu. Xu hướng chung là tăng ở nơi thời gian mưa nhiều và giảm ở những nơi thời gian mưa ít. Lượng mưa cực trị có thể tăng nhiều hơn so với đánh giá trước đây. Các cực đoan khí hậu liên quan đến nhiệt độ thấp có xu hướng giảm mạnh, cực đoan liên quan đến nhiệt độ cao tăng lên. Số vùng có tần số đợt mưa lớn tăng nhiều hơn số vùng có tần số mưa lớn giảm. Nhiệt độ mặt biển tiếp tục tăng với mức độ tăng thấp hơn so với nhiệt độ không khí. Đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển trung bình toàn cầu dâng tới 43-73cm và có thể đến 1m ở kịch bản khí nhà kính cao nhất. Chưa có xu hướng về tần số bão nhưng có dấu hiệu cho thấy tăng cường lượng mưa do bão.
Tốc độ biến đổi khí hậu gia tăng theo hướng cực đoan hơn so với các đánh giá trước đây, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ cao gia tăng mạnh mẽ. Đơn cử, nồng độ khí nhà kính CO² trong 6 năm gần đây đã tăng tới hơn 40% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất tăng mạnh ở vùng lục địa và Bắc cực. Có dự đoán rằng đến năm 2100, có thể sẽ không còn băng ở Bắc Cực. Lượng mưa toàn cầu cũng có biến động rất rõ rệt. Các nhà khoa học đã phát hiện ra một số vấn đề liên quan đến đánh giá tình trạng hạn hán, theo đó chưa đủ số liệu để đánh giá chính xác hiện tượng thiên tai này. Tần số xuất hiện các cơn bão chưa thể khẳng định chắc chắn, nhưng cường độ bão tăng lên rõ rệt.
Tại Việt Nam, xu thế biến đổi khí hậu cũng không nằm ngoài quy luật chung của thế giới.
Thu Hằng