Thứ Bảy, 5/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 23/5/2015 9:19'(GMT+7)

Xây dựng luật cần gắn liền với thực tế cuộc sống

Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại tổ. Ảnh: THANH CHƯƠNG

Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận tại tổ. Ảnh: THANH CHƯƠNG

Quan tâm nguyện vọng của đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật

Thảo luận tại tổ về đề xuất của Chính phủ sửa Ðiều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, các đại biểu QH đề xuất nhiều quan điểm khác nhau chung quanh nội dung này. Một số ý kiến tán thành với chủ trương sửa đổi Ðiều 60 nhằm đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động. Theo các đại biểu, làm luật cần gắn với thực tiễn, dù là phương án hưởng bảo hiểm một lần hay hưởng lâu dài nhưng nên để người lao động có sự lựa chọn.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), người lao động hiểu quyền và lợi ích trong việc hưởng chế độ BHXH một lần hoặc bảo lưu để hưởng lương hưu, nhưng nhiều trường hợp người lao động muốn hưởng một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Ðây là nguyện vọng chính đáng của người lao động và cần phải được xem xét. Tán thành với quan điểm nêu trên, các đại biểu Trần Thanh Hải, Ngô Ngọc Bình (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây không phải chỉ là nguyện vọng của công nhân một công ty tại TP Hồ Chí Minh, mà là mong muốn của người lao động ở nhiều địa phương, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm cả giáo viên mầm non, nhân viên y tế... Nhiều ý kiến đề nghị, QH cần nghiên cứu sửa đổi Ðiều 60 bảo đảm tính lâu dài, chứ không chỉ là sửa đổi để thực hiện trong thời gian "trước mắt".

Một số ý kiến đề nghị cần có biện pháp phù hợp hơn, vì Luật chưa có hiệu lực thi hành, cho nên chưa thể đánh giá toàn diện tác động đối với xã hội. Ðại biểu Ðặng Ngọc Tùng (Ðồng Nai) đề xuất hai phương án. Một là sửa Ðiều 60 Luật BHXH như đề xuất của Chính phủ. Hai là, không sửa Ðiều 60 của Luật BHXH mà QH sẽ ra nghị quyết tạm dừng thi hành điểm a, khoản 1, Ðiều 60 và điểm a, khoản 1, Ðiều 77 Luật BHXH năm 2014 áp dụng theo quy định cũ để chờ khi sửa luật này. Cùng chung quan điểm, các đại biểu Trần Văn Bàn (Bình Ðịnh), Nguyễn Văn Khánh (Ðồng Nai) cho rằng, nên nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của Ðiều 60 đối với đời sống xã hội, trước khi xem xét sửa đổi. Tránh tình trạng, sau khi sửa đổi lại phát sinh những vấn đề mới.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, nhiều đại biểu kiến nghị, QH cần đặc biệt quan tâm chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành, tránh tình trạng xây dựng và thông qua luật để đáp ứng tiến độ, kế hoạch đề ra, nhưng không bảo đảm chất lượng. Công tác xây dựng pháp luật hiện nay trong nhiều trường hợp còn xa rời thực tiễn, như việc phải xem xét Ðiều 60 của Luật BHXH là do trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo và bản thân các đại biểu QH chưa nắm bắt hết nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Do vậy, công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần có sự cải tiến căn bản, nhất là việc lấy ý kiến của các đối tượng trực tiếp được điều chỉnh bởi các quy định trong luật, nhằm hoàn thiện và tạo thuận lợi khi áp dụng phải được đặc biệt quan tâm.

Cân nhắc thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã

Thảo luận dự thảo Luật Ban hành VBQPPL, về thẩm quyền ban hành của HÐND và UBND cấp huyện, cấp xã, có ý kiến đề nghị không quy định các cấp này được ban hành văn bản, vì thực tế thời gian qua, ở nhiều địa phương đã không ban hành VBQPPL hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp văn bản của cơ quan cấp trên... Vì vậy, không nên quy định cấp xã ban hành VBQPPL.

Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu cho rằng, nên quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL. Bởi vì, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành VBQPPL là cần thiết. Ðây là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo luật định. Ðại biểu Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, dự thảo Luật cần quy định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; quy định chặt chẽ quy trình ban hành VBQPPL của các cấp chính quyền này và đồng bộ, thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Một số ý kiến cho rằng, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại hình đơn vị hành chính được quy định tại Ðiều 110 của Hiến pháp. Tuy nhiên, mô hình về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hiện nay đang được nghiên cứu, chưa rõ là sẽ thuộc cấp hành chính nào. Do đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có thẩm quyền ban hành VBQPPL; còn thẩm quyền, hình thức văn bản sẽ căn cứ vào mô hình tổ chức của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi QH quyết định thành lập.

Các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán cho biết: Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng... Tuy nhiên, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.

Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội):

Không nên sửa Ðiều 60, Luật BHXH năm 2014 mà QH cần ban hành nghị quyết về lộ trình thực hiện quy định về BHXH một lần và rà soát lại nội dung Luật.

Ðại biểu QH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh):

Việc điều chỉnh giá xăng dầu của nước ta dựa vào một chu kỳ nhất định, chứ không căn cứ vào biến động giá từng ngày. Cách đây khoảng một tuần, giá xăng dầu thế giới tăng, cho nên ta cũng tăng. Tuy nhiên, do thời điểm công bố giá xăng tăng của ta không phù hợp với giá xăng trên thế giới, tạo nên sự căng thẳng cho người tiêu dùng. QH nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Bởi lẽ, đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hằng ngày và được nhân dân rất quan tâm.

Ðại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam):

Việc cấp huyện, cấp xã được quyền ban hành VBQPPL là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể, chặt chẽ theo hướng hạn chế thẩm quyền ban hành VBQPPL của các cấp này để tránh trường hợp ra văn bản hoàn toàn không có nội dung mới, thậm chí không phù hợp văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên hoặc lạm dụng thẩm quyền để đưa ra các thủ tục phiền hà, sách nhiễu nhân dân, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

 
Theo Nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất