(TG) - Các Trạm Y tế lưu động thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu trong điều kiện tối giản, nhân lực tối giản, nhưng hoạt động phải đảm bảo các yếu tố quản lý điều trị, chăm sóc ban đầu.
Sáng 19/8, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có thiết lập mô hình triển khai Trạm Y tế lưu động với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở nước ta chủ trương ngay coi xã, phường là “pháo đài phòng, chống dịch.”
Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly, song song với công tác an sinh xã hội được triển khai, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, yếu tố quan trọng là chăm sóc, điều trị F0 dựa vào cộng đồng. Do đó, vấn đề đặt ra là phải để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế không bị đứt quãng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương thiết lập mô hình Trạm Y tế lưu động tuyến xã, phường với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân.”
Trước đây, mỗi xã phường có một Trạm Y tế, trong bối cảnh hiện nay có thể bố trí nhiều hơn, nhất là tại khu vực đông dân cư, nhiều người mắc COVID-19 như tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe ý kiến từ các địa phương và chuyên gia của Bộ Y tế tại các điểm cầu, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, mô hình Trạm Y tế lưu động là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn tại các địa phương không thể quản lý điều trị F0 tại những khu vực tập trung.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc thiết lập các Trạm Y tế lưu động để phục vụ quản lý, điều trị người mắc tại cộng đồng, trước mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý các địa phương còn lại chuẩn bị sẵn sàng triển khai mô hình này để nếu xảy ra tình huống như trên có thể kích hoạt ngay.
Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tạm thời quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và Hướng dẫn mô hình hoạt động Trạm Y tế lưu động.
Về địa điểm thiết lập Trạm Y tế lưu động, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, có thể triển khai mô hình này ở bất cứ địa điểm nào (nhà thi đấu, phòng khám đa khoa khu vực, nhà văn hóa, Ủy ban Nhân dân xã, phường, hoặc nhà dân rộng rãi xa các nhà xung quanh).
Trường hợp không thể chọn các địa điểm trên, có thể chọn "thiết lập trên đường phố.” “Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị tốt nhất là chọn những địa điểm đã kể trên,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Về nhân lực của các Trạm Y tế cơ động, về cơ bản, mỗi trạm từ 1-2 bác sỹ; lực lượng cán bộ y tế khác có thể từ 5-7 người.
Nhân lực khác nên chọn tình nguyện viên trên địa bàn có sự am hiểu về dân cư và tình hình của địa bàn. Trang thiết bị tối thiểu nhất có thể gồm hai bình oxy, mặt nạ thở oxy để thay phiên và một số dụng cụ sơ cứu khác. Túi thuốc cấp cứu lưu động cần tối giản.
Nguyên tắc hoạt động của các Trạm Y tế lưu động là thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu trong điều kiện tối giản, nhân lực tối giản, nhưng hoạt động phải đảm bảo các yếu tố quản lý điều trị, chăm sóc ban đầu với các bệnh lý thông thường (phải phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, khám, cấp phát thuốc cho người bệnh mạn tính); quản lý, chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại cộng đồng có kiểm soát và có thể chuyển tuyến.
Bên cạnh đó, Trạm Y tế lưu động còn tổ chức thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 và một số xét nghiệm khác; tổ chức tiêm chủng vaccine và thực hiện nhiệm vụ truyền thông trong cộng đồng.
Chính quyền các tỉnh, thành phố phải điều hành hoạt động của các Trạm Y tế lưu động này và ưu tiên để các trạm kết nối được với lực lượng cấp cứu cơ động có chức năng chuyển tuyến, bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân cần cấp cứu lên tuyến trên kịp thời.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp nhân sự cho các trạm y tế lưu động, nêu rõ số lượng nhân lực cần hỗ trợ để Bộ Y tế có kế hoạch trợ giúp phù hợp…/.
TG