Tuy nhiên do một số nguyên nhân, nhiều bất cập đã nảy
sinh trong quá trình vận hành, trong đó đáng lo ngại là nguy cơ thông
tin độc hại núp bóng các diễn đàn học sinh, sinh viên, đòi hỏi cần phải
ngăn chặn kịp thời.
Trên thực tế, các công cụ, ứng
dụng, phần mềm như thư điện tử, sổ liên lạc điện tử, ứng dụng tin nhắn,
trang fanpage... dần trở nên quen thuộc, phổ biến. Xuất phát từ nhu cầu
học tập, mở rộng giao lưu, tương tác, không ít giáo viên, phụ huynh
cũng như học sinh, sinh viên đã tích cực sử dụng diễn đàn trực tuyến
(forum) và gần đây là các ứng dụng tin nhắn, mạng xã hội.
So với hình thức truyền thống như họp phụ huynh tại
lớp, phát giấy thông báo, phiếu khảo sát lấy ý kiến phản hồi của học
sinh, sinh viên về hoạt động của nhà trường,... các nền tảng, công cụ
trên có nhiều ưu điểm như: tiết kiệm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí
in ấn tài liệu, việc cập nhật, chia sẻ, phản hồi thông tin nhanh chóng,
trực tiếp.
Quá trình tạo trang (page), nhóm (group) trên các nền tảng mạng xã
hội khá đơn giản; mọi tài liệu, từ văn bản liên quan đến các đoạn hội
thoại, bình luận đều có thể được ghi nhớ, lưu trữ, tải về máy tính, điện
thoại thông minh một cách dễ dàng nhờ nền tảng ứng dụng hoặc dịch vụ
cloud storage (lưu trữ đám mây). Một số phần mềm như Google form (biểu
mẫu) cho phép người dùng thực hiện chế độ ẩn danh khi tham gia đánh giá,
đặt và trả lời câu hỏi khảo sát, bình chọn. Nhờ tính năng kết nối mở,
nhiều đơn vị tuyển dụng cũng có thể tham gia các diễn đàn, trang, nhóm
của nhà trường và học sinh, sinh viên để tìm kiếm nhân lực phù hợp.
Chưa kể, những công cụ này còn có chức năng tìm kiếm, liên lạc, hỗ
trợ làm cầu nối giữa nhà trường với cựu học sinh, sinh viên, giúp mối
liên kết có thể kéo dài trong nhiều năm. Xét từ ưu thế công nghệ, thói
quen người dùng cùng với sự tác động của đại dịch, lựa chọn ứng dụng,
mạng xã hội phục vụ cho việc dạy, học, quản lý và đối thoại giữa nhà
trường với người học, thầy cô giáo với cha mẹ học sinh không còn là giải
pháp tình thế mà trở thành xu hướng thiết yếu trong thời đại 4.0.
Dù vậy thời gian qua, một số hoạt động trên các trang, nhóm được lập
với mục đích tương tác giữa thầy và trò, giữa học sinh, sinh viên, giữa
thầy cô và cha mẹ học sinh, lại chưa diễn ra như mong muốn. Nguyên nhân
chủ yếu là do các diễn đàn này đều được lập ra một cách tự phát. Đó là
chưa kể đến tình trạng hàng loạt trang, nhóm trên mạng xã hội mang tên
các trường đại học, trường trung học phổ thông danh tiếng song thực chất
được lập ra với mục đích bán hàng, lừa đảo tuyển dụng cùng nhiều động
cơ không trong sáng.
Không chỉ rơi vào tình trạng nhiễu loạn thông tin, một số
trang, nhóm của học sinh, sinh viên, fanpage của nhà trường đang hoạt
động sai mục đích ban đầu. Chẳng hạn, có trang danh nghĩa là diễn đàn
của sinh viên nhưng chuyên đăng tải các tin tức cóp nhặt, quảng cáo,
truyện ngôn tình nhảm nhí, thậm chí cổ xúy lối sống hưởng thụ, thực
dụng, ích kỷ của một nhóm người trẻ.
Tuy nhiên, mỗi bài đăng của trang này vẫn thu hút đến hàng
nghìn lượt yêu thích, bình luận, chia sẻ. Hiện tượng sử dụng câu hỏi ẩn
danh, nhóm kín để bôi nhọ, tấn công cá nhân, đời tư của giảng viên và
sinh viên, xúc phạm nhà trường cũng đang diễn ra tràn lan trên nhiều
trang, nhóm.
Cá biệt, có trường hợp ở một trường THPT tại Hà Nội, một
nhóm chat (trò chuyện phiếm) đã được lập để một số học sinh nói xấu,
miệt thị ngoại hình của một học sinh khác trong lớp. Hiện tượng này đang
là nỗi ám ảnh của nhiều người, gây hệ lụy khó lường. Một số học sinh vì
bị phê bình nặng lời hay công kích, nói xấu, tẩy chay ngầm trên diễn
đàn đã rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc dẫn tới việc có thái độ, hành vi
tiêu cực.
Bên cạnh đó, có tình trạng một số admin (người quản lý) các trang,
nhóm về nhà trường và học sinh, sinh viên hiện nay còn thiếu chuyên
nghiệp, thậm chí hầu như chưa có kinh nghiệm về điều hành, quản trị các
nền tảng mạng xã hội, nên để xảy ra không ít sai sót, bất cập. Công tác
quản trị, bảo mật kém cũng dẫn đến tình trạng bài viết có nội dung
“rác”, quảng cáo lậu, đường dẫn chứa phần mềm virus, mời gọi vào các
nhóm mang chủ đề cờ bạc, khiêu dâm,... xuất hiện nhan nhản trên nhóm,
trang song chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Thậm chí, website, fanpage chính thức của một số trường tên tuổi ở
trong nước gần như không hoạt động, mà chỉ lập ra mang tính hình thức.
Vì vậy việc tam sao thất bản các văn bản, tin tức của nhà trường trên
các trang, nhóm đó khá phổ biến. Cũng vì thiếu cơ chế kiểm soát nghiêm
ngặt, trên trang web của một trường khá nổi tiếng ở miền trung còn dẫn
lại thông báo tuyển sinh “học bổng xã hội dân sự” của một tổ chức phản
động. Đây chỉ là một vài thí dụ cho thấy những thông tin sai sự thật,
độc hại đang lan tràn mất kiểm soát trên một số diễn đàn mạng của các
trường hoặc của học sinh, sinh viên.
Những diễn biến có chiều hướng phức tạp như trên trong việc ứng dụng
công nghệ số để tạo mối liên kết giữa nhà trường, học sinh, sinh viên
cũng như cha mẹ học sinh cho thấy các nhà trường cần quan tâm hơn nữa
tới hoạt động quản lý, đối thoại với phụ huynh học sinh trên các nền
tảng mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn,... Việc thường xuyên quan tâm, lập
các tài khoản, trang chính thức là cần thiết để phụ huynh, học sinh có
một kênh trao đổi chính thống với ban giám hiệu, giáo viên nhà trường.
Đây cũng là biện pháp hữu hiệu góp phần hạn chế, ngăn chặn tài khoản,
trang mạo danh để lan truyền thông tin xấu, độc, sai sự thật.
Nhà trường cần quan tâm, theo sát hoạt động cụ thể của một số trang,
nhóm mang chủ đề giáo dục, học tập, đời sống học sinh, sinh viên có
nhiều lượt người theo dõi. Từ đó, có thể hợp tác với quản trị viên các
nhóm này để cùng đăng tải, chia sẻ những thông tin, thông báo chính xác,
kiến thức giá trị, quảng bá hình ảnh về môi trường học tập cho những
người quan tâm, muốn tìm hiểu các hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó,
mỗi trường cũng cần tuyên truyền định hướng quy tắc ứng xử cho giáo
viên, sinh viên, học sinh khi tham gia mạng xã hội dựa trên Bộ quy tắc
ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày
17/6/2021.
Đặc biệt chú ý vai trò của gia đình trong công tác quản lý, giám sát
học sinh, sinh viên (nhất là các em ở độ tuổi vị thành niên) khi tham
gia môi trường mạng là hết sức quan trọng. Thực tế hiện nay, vì nhiều
nguyên nhân khác nhau, một bộ phận phụ huynh học sinh, sinh viên còn lơ
là, chủ quan, xao nhãng khi thấy con em tham gia các nhóm, trang mạng xã
hội, chỉ đến khi sự cố đáng tiếc, nghiêm trọng xảy ra mới phản ánh tới
giáo viên, ban giám hiệu nhà trường. Khi đó, việc khắc phục hậu quả là
không dễ dàng.
Cùng với những tiện ích, các ứng dụng công nghệ và mạng xã hội cũng
mang đến thách thức mới cho ngành giáo dục, đặc biệt với người làm công
tác quản lý, thầy cô, cha mẹ học sinh, sinh viên. Chỉ khi nắm bắt, hiểu
rõ vấn đề này, chúng ta mới có những biện pháp, cách thức thích ứng phù
hợp. Giờ đây, bên cạnh kiến thức chuyên môn, thầy cô và cha mẹ học sinh,
sinh viên cần trang bị cả kỹ năng tin học, tâm lý,... để có thể đồng
hành, bảo vệ học sinh, con em mình trước nhiều hiểm họa tiềm ẩn trên
không gian mạng.
Cần coi việc phối hợp tạo ra các chuyên trang, nhóm trên mạng xã hội,
ứng dụng tin nhắn có chất lượng cao liên quan đến giáo dục, nhà trường
và đời sống của học sinh, sinh viên là nhiệm vụ cấp bách. Bởi lẽ, tạo ra
không gian sinh hoạt, học tập lành mạnh chính là biện pháp hữu hiệu
nhất giúp học sinh, sinh viên có thêm động lực, nhiệt huyết để phấn đấu,
phát huy năng lực của bản thân, tránh xa và ngăn chặn kịp thời những
thông tin độc hại núp bóng các diễn đàn học sinh, sinh viên đang tồn tại
trên Internet và mạng xã hội./.
Quang Minh (nhandan.vn)