Thứ Hai, 20/5/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Bảy, 24/9/2022 14:0'(GMT+7)

Xây dựng môi trường sống an toàn trước thiên tai cho trẻ em

Các em học sinh thể hiện được những kiến thức về phòng chống thiên tai trong cuộc thi Rung chuông vàng. (Ảnh: T.H)

Các em học sinh thể hiện được những kiến thức về phòng chống thiên tai trong cuộc thi Rung chuông vàng. (Ảnh: T.H)

NHỮNG THIỆT HẠI NẶNG NỀ DO THIÊN TAI GÂY RA

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế ngày càng gia tăng, bất thường và khốc liệt, ảnh hưởng và gây thiệt hại ngày càng nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, và sản xuất của người dân trong đó đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. 

Trong vòng 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0 - 1,5% GDP.

Đối với khu vực duyên hải Miền Trung, là khu vực có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, chia cắt, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, đặc biệt bờ biển trải dài trên 1.900km với hàng trăm đảo lớn nhỏ, 41 cửa sông, 12 đầm phá, 36 vũng vịnh. Hệ thống sông, suối dày đặc, ngắn, dốc; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, biến động mạnh; mùa mưa tập trung trên 65-75% tổng lượng mưa năm; cường suất mưa rất lớn trong thời gian ngắn, lại là khu vực bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Do vậy, khu vực duyên hải Miền Trung đang phải  đối diện với nguy cơ ngày càng gia tăng của các loại hình thiên tai như: bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển; giông, lốc, sét; hạn hán và xâm nhập mặn, và đặc biệt thời gian gần đây còn bị tác động của cả động đất.

Nằm ở vị trí trung tâm của dãi ven biển Miền Trung, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Chúng ta còn nhớ cơn bão số 6 (Xangsane) năm 2006,  một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong 20 năm qua với cường độ gió cấp 12, giật cấp 13, 14. Bão và mưa lũ sau bão làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tầu thuyền bị chìm và hư hại, thiệt hại về kinh tế lên tới trên 10.000 tỷ đồng. 

Chúng ta cũng không thể nào quên trận lũ lịch sử năm 1999 từ Quảng Bình đến Khánh Hoà trong vòng hơn một tháng (01/11 đến 06/12). Mực nước các sông đều vượt báo động 3, lũ trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,  Quảng Ngãi đều vượt lịch sử, đặc biệt tại Huế vượt lũ lịch sử 1993 tới 1m; đây là 2 trận lũ lớn nhất trong vòng 70 - 100 năm qua ở các khu vực này. Lũ lụt đã làm 715 người chết và mất tích, gần 1 triệu ngôi nhà bị ngập và hàng ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 5.000 tỷ đồng, đây cũng là một trong số thiệt hại lớn nhất do thiên tai gây ra trong thế kỷ 20 đối với Việt Nam.

Và đặc biệt gần đây, trong 2 tháng từ 15/9 đến 15/11/2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 1 ATNĐ đạt mức kỷ lục (tương đương năm 1970). Trong đó, cơn bão số 9 (Molave) mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17 trên biển, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Bão đã làm 23 người chết và mất tích, 177.524 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 1.373 cột điện bị gãy đổ và nhiều cơ sở hạ tầng khác bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do bão, mưa lũ trên 36.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sạt lở đất, lũ quét là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía Tây các tỉnh miền Trung. Điển hình như năm 2020, sạt lở đất ngày 12/10 vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 17 công nhân bị mất tích. Sạt lở đất đêm 12/10 tại trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào ngày 18/10 làm 22 chiến sỹ hy sinh. Sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sau bão số 9 (ngày 28/10) làm 47 người chết, mất tích.

Về hạn hán, xâm nhập mặn, duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, gây thiệt hại lớn về sản xuất; trong đó khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận với lượng mưa trung bình 800-900mm/năm thấp nhất cả nước thường xuyên xảy ra hạn hán. Nghiêm trọng nhất là hạn hán kéo dài từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2016 làm 15.000 ha rừng sản xuất, 10.776 ha lúa bị thiệt hại, 43.482 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt; tổng thiệt hại gần 1.500 tỷ đồng.

Sạt lở bờ sông, bờ biển thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trung bình 5-10m/năm, cá biệt có những nơi tới 25m/năm; hiện tồn tại 88 vị trí với tổng chiều dài 129 km sạt lở nghiêm trọng, một số vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm như khu vực Tam Hải, Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế, Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam,....

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai. (Ảnh: H.H)

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai. Trong ảnh: Công tác đắp đê ngăn lũ (Ảnh: H.H)

XÂY DỰNG MỘT CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG, THÍCH ỨNG THIÊN TAI

Hưởng ứng ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ngày Asean quản lý thiên tai (13/10) năm nay, đồng chí Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục PCTT biểu dương và ghi nhận những kết quả, nỗ lực BCH PCTT, TKCN&PTDS thành phố Đà Nẵng cùng các ngành, các cấp đã thực hiện trong những năm qua trong phong trào “Cộng đồng an toàn trước thiên tai” góp phần quan trọng bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện và đáng sống.

“Giảm nhẹ rủi ro”, “quản lý thiên tai” chú trọng công tác chuẩn bị, dự phòng một cách chủ động, tích cực, hướng đến giải pháp căn cơ, bền vững; phát huy vai trò của lực lượng xung kích cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ. Chuẩn bị, dự phòng không chỉ cho năm nay, hay năm sau, mà cần tầm nhìn xa hơn, cho nhiều năm về sau. 

Các ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến luôn cần đến sự đầu tư tương xứng để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, giám sát, đánh giá rủi ro. Song, cần chú trọng việc kết hợp phân tích khoa học với các giải pháp quản lý thiên tai dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa. 

Vai trò của cơ quan chuyên môn và đặc biệt là văn phòng thường trực BCH hết sức quan trọng trong việc tham mưu cả giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Đồng thời để xây dựng được một cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai thì vai trò chủ thể của cộng đồng đóng vai trò quyết định, xuyên suốt quá trình quản lý rủi ro thiên tai, chính cộng đồng mới thông hiểu rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt, để chủ động tham gia vào các khâu lập kế hoạch và triển khai thực hiện.

Nhằm phấn đấu được mục tiêu “bền vững” nêu trên, trước tiên cần được xây dựng từ những con người hiểu biết và có kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai. Trong đó trẻ em – tương lai của đất nước, thế hệ công dân toàn cầu đóng vai trò chủ chốt thay đổi và dựng xây quốc gia bền vững. 

Và cuộc thi “Rung chuông vàng – Cùng em phòng chống thiên tai, kiến tạo tương lai bền vững” ngày hôm nay rất ý nghĩa và cũng là hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày Asean quản lý thiên tai 13/10, thông qua cuộc thi nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, xã hội, nhà trường và các bậc phụ huynh, cùng chung tay để góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng ngừa các rủi ro thiên tai cho trẻ em, để thế hệ mai sau của chúng ta được an toàn và hạnh phúc hơn. 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao năng lực cộng đồng trong PCTT nhằm hướng tới một xã hội an toàn, bền vững trước thiên tai, thay mặt VPTT BCĐQG về PCTT và Tổng cục Phòng chống thiên tai, đồng chí Vũ Xuân Thành đề nghị Ban chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” của Thủ tướng Chỉnh phủ.

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh đạt giải tại cuộc thi. (Ảnh: H.T)

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh đạt giải tại cuộc thi. (Ảnh: H.T)

Trước mắt cần phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể mở rộng quy mô tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng – Cùng em phòng chống thiên tai, kiến tạo tương lai bền vững” cho tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố, đồng thời ưu tiên sử dụng nguồn quỹ phòng chống thiên tai cho các hoạt động phi công trình, nhất là nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của cộng đồng; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai cho trẻ em, cộng đồng và toàn xã hội; lồng ghép các nội dung về phòng, chống thiên tai trong trường học. Đồng thời huy động sự tham gia của toàn xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, phi chính phủ chung tay xây dựng môi trường sống an toàn hơn trước thiên tai cho trẻ em./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất